Bài 6: Quy định về việc tang
Cập nhật lúc 14:57 | 14/06/2005 (GMT+7)
(NetCoDo) Cái chết chính là sự khép lại một chu kỳ đời người: “Tang ma là việc cuối đời” (Hương ước Thế Lại Thượng) để con người lại sống ở thế giới bên kia. Bởi vậy, đây còn là một nghi lễ trọng đại và dưới thời phong kiến, được quy định ngặt nghèo theo tài năng, đức độ và gia thế của chủ nhân. Ngày trước, nghi lễ chịu ảnh hưởng mạnh của “Thọ Mai gia lễ”.
Tuy nhiên, tùy điều kiện mỗi làng mà có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp, và nhấn mạnh một vấn đề nào đó. Thậm chí như cả 5 điều khoản của hương ước làng Cổ Tháp đều nói về việc tang ma (khẩu phần đất ở nghĩa địa, làng phúng điếu...).
Từ đình làng nhìn ra sông Hương
Nói chung, hương ước Thừa Thiên toát lên tinh thần “tùy gia phong kiệm” trên cơ sở đảm bảo lễ nghi, tuân thủ tôn ti, trật tự theo điển chế phong kiến. Hương ước Phong Lai nhấn mạnh “tương tuất tương trợ”.
Quy định lễ tang ở làng Lễ Khê có sự phân biệt quan và dân. Các lễ điện, lễ tế thì quan viên được dùng bò, còn thứ dân chỉ dùng heo xôi, mỗi thứ một lễ, theo phương châm “phải kiệm ước, không được xa xỉ”. Việc đi điếu ở làng Phong Lai thể hiện rõ thứ bậc xã hội “trọng quan”, “trọng lão”, “trọng người cócông”. Dân chủ hơn, lệ làng Thế Lại Thượng quy định chi tiết: quan Tiên chỉ có bức trướng, mâm cau rượu; còn lại được phân định có công lao khó nhọc thì một đôi liễn đối bằng vải trắng và mâm trầu rượu, còn không chỉ mâm trầu rượu. Ở làng Lễ Khê, “những người có công đức” (cúng ruộng đất, vật hạng, tiền bạc cho làng xã) hoặc “nghĩa cử cao đẹp” (đắp đê điều, đường sá...), “có lòng hiếu đễ, tiết nghĩa, trinh liệt mọi người đều biết”, được ghi danh vàoSổ khuyến thiện của làng và khi qua đời, được làng phúng điếu chu đáo. Trường hợp này còn được nhiều làng “bồi tế” trong lễ Xuân, Thu nhị kỳ. Tang gia bối rối nhưng chuyện cỗ bàn cũng không kém căng thẳng.
Hương ước Thế Lại Thượng quy định việc này nhiều ít tùy nhà, không được đòi hỏi. Ai ăn uống vô độ, nói năng bậy bạ, bày chuyện rối loạn làm hại, gây náo động tang chủ, nhẹ thì bị trách phạt mâm trầu rượu (quy tiền 5 hào), nặng thì trình quan xét xử. Tương tự ở làng An Gia, “việc cỗ bàn tùy gia phong kiệm, không được yêu sách”; nếu ăn uống no say to tiếng, quan viên lý dịch thì bị phạt 1 heo, còn dân thường bị đánh 50 roi “để nghiêm trị theo phép làng”.
Tuy nhiên, sau khi chôn cất, gia đình mới làm mâm cơm để cảm ơn bà con. Theo lệ làng Lễ Khê, chôn cất xong, người giàu xin dùng lễ bò, thường dân heo xôi, người nghèo khó chỉ dùng cau rượu, không ai được đòi hỏi. Còn bạn bè làng họ thăm viếng nên tiết giảm, tang chủ tiếp đãi bằng cau trầu trà nước. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Việc trợ tang được hương ước định rõ, tang chủ phải trình báo với làng, họ, để được trợ táng, dễ bề viếng thăm.. Ở làng An Gia, ngày đưa tang, mọi người nghe hiệu lệnh phải tập trung để trợ táng. Lệ làng Lễ Khê quy định, những gia đình khó khăn không sắm nổi phương tiện, lễ nghi tang ma thì được các họ góp tiền giúp sức. Nhiều nơi còn có tiền tuất, để phúng điếu, thực ra là trợ tang. Người làng An Gia qua đời: là quan Thủ chỉ, được hưởngTang điền đến mãn hạn, tiền tuất 50quan; chức dịch - 40quan; từ các vị bô lão đến các thập điểm canh - 35quan và các hạng dân - 30quan. Ngoài ra, cả những người ở lính trên 15 năm, nhà nghèo xin về, chịu sưu thuếnhưng khi chưa đến hạn quân cấp ruộng công mà chết thì được cấp 1 mẫu Tangđiền, trong 03 năm, không đợi trình quan trên.
Một vấn đề rất tế nhị nữa là thời gian. Thông thường, lệ làng cho phép điều đó tùy thuộc việc xem ngày giờ tốt, sao cho không làm phương hại đến cháu con, làng xóm. Hương ước Lễ Khê phân định: Người chết do các bệnh dịch, chỉ nên để trong nhà một ngày; còn lại được một tuần, quá hạn sẽ bị phạt và ghi tên vào Sổ răn ác.
Nghĩa địa thuộc vào hàng “cấm địa” của làng, không được lẫn lộn, lấn chiếm. Ở làng Lễ Khê, chôn cất phải đúng nơi quy định, cấm lấy ruộng đất công, hoặc lấn của người khác, nếu vi phạm sẽ bị phạt và bắt đổi chỗ. Làng An Gia cũng vậy, phải chôn trong khu nghĩa địa và một số nơi ở ruộng Đồng Khe, Đường Nước nhưng phải trình xin làng. Cấm chôn ở những nơi khác.
Theo quan niệm dân gian, tang ma là nấc thang cuối cùng của con người với các thế giới. Tuân thủ, đảm bảo nghi lễ nhưng không “lấn lễ”: không khoa trương lãng phí, không làm rối loạn trật tự xã hội..., làm cho mọi người tự giác thực hiện. Đó chính là vai trò của hương ước trong việc điều hành đời sống lễ nghi cộng đồng, đặc biệt là trong vấn đề đầy phức tạp, tế nhị này.
Trần Đình Hằng
Các tin liên quan