chaphu
Tổng số bài gửi : 657 Join date : 17/02/2011 Đến từ : Hòa Nghĩa- Cam Lâm-Khánh Hòa
| Tiêu đề: Chôn cất theo phép Hội thánh MAI-TÁNG và HOẢ-TÁNG Fri Apr 29, 2011 8:23 am | |
| Chôn cất theo phép Hội thánh MAI-TÁNG và HOẢ-TÁNG Category: Chủ Đề BY: SH.TRẦN CÔNG-LAO Theo định-luật ngàn đời bất-di-dịch của Đấng Tạo-Hoá, con người «hữu sinh hữu tử». Một khi đã sinh ra và lớn lên trong cõi đời nầy, thì một ngày nào đó và ở một nơi nào đó, chỉ có Thiên-Chúa biết, họ phải nhắm mắt lìa đời. Dù giàu sang hay nghèo khó, luôn sức khoẻ hay thường ốm đau, có địa-vị cao-trọng trong xã-hội hay chỉ là một kẻ dân quê thấp hèn dốt nát… họ đều có chung một số-phận, khi Chúa gọi họ đi về kiếp khác. Thực vậy, sự chết là ngưỡng cửa đưa hồn qua kiếp khác, dẫn nó đến chốn đời đời; là ranh giới giữa những người còn sống với kẻ đã vĩnh-viễn ra đi. Nhưng theo niềm tin Công-giáo, trong tình thương vô biên của Chúa, kẻ chết và người sống đều được «thông-công» với nhau. Vì thế, những tín-hữu còn sống dưới trần-gian, thuộc «giáo-hội giao-công» hằng cầu hồn gởi lễ cho thân-nhân quá-cố, nhất là khi họ mới nằm xuống, thì cố-gắng lo việc «chôn cất theo phéo Hội thánh». Vấn-đề «chôn cất», theo truyền-thống Giáo-hội Công-giáo là «địa-táng» hay an-táng, mai-táng, tức thi-thể người chết được chôn vào lòng đất. Nhưng kể từ sau Công-đồng Vatican II, ngoài «phong-tục đạo-đức chôn cất thi-hài người quá-cố», Giáo-hội để cho tín-hữu được tự-do «không cấm hoả-táng», nhưng vẫn «cấm» khi sự chọn lựa ấy «trái ngược với đạo-lý Kitô giáo» (xem GL 1176), nghĩa là phải có điều-kiện! Nhưng đã để tự-do mà lại đặt điều-kiện là nghĩa lý gì? Thế thì Giáo-hội vẫn chủ-trương «mai-táng» hơn «hoả-táng» sao? Ý-nghĩa như thế nào? Về phương-diện xã-hội, cách-thức chôn cất nào hợp lý? Là người Công-giáo, đã mang dấu ấn niềm tin, hằng ngày đang sống đạo và giữ đạo, ở quốc-nội cũng như ở hải-ngoại, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu về lịch-sử tống-táng nói chung, nhưng đặc-biệt là lịch-sử và nguyên-nhân, cũng như các nghi-thức tôn-giáo dành cho việc «địa-táng» và «hoả-táng» nói riêng. Đó là hai lối tống-táng mà hiện nay đang được thực-hiện trong Giáo-hội Công-giáo hoàn-vũ. I.- TỐNG-TÁNG Dân-tộc Việt-nam cũng như các dân-tộc khác trên khắp thế-giới, từ xưa tới nay vẫn quan-niệm việc tống-táng là một trong những vấn-đề hệ-trọng của những người sống. Hành-động chôn cất người chết, tiếng Pháp dịch là Enterrement, tiếng Anh là Burial và tiếng Tây-ban-nha là Entierro, có nghĩa là chôn xuống đất. Các danh-từ đó không gói trọn được ý-nghĩa cho bằng danh-từ «tống-táng» trong ngôn-ngữ Việt-nam. Tống-táng gợi lên được hai ý-niệm cốt lõi: khi một thân-nhân tắt thở, không thể sinh-hoạt chung được với những người còn sống, thì người trong gia-đình phải đưa họ ra (tống) khỏi nhà và chôn (táng) vào lòng đất. Qua không-gian và thời-gian, kể từ thời tiền-sử đến thời hoàng-kim hiện nay, tùy theo điều-kiện tự-nhiên, tập-quán xã-hội và tôn-giáo, hay trình-độ kỹ-thuật… mà các dân-tộc trên địa-cầu đã có những hình-thức tống-táng khác nhau. Ngoài vấn-đề ướp xác ra, thì việc tống-táng người quá-cố chung-qui có năm hình-thức: điểu-táng, không-táng, thủy-táng, địa-táng và hoả-táng. 1.- Ướp xác Ướp xác là một nghệ-thuật của người cổ Ai-cập, ra đời từ năm 2.700 trước Chúa giáng-sinh và kéo dài đến tận thế-kỷ thứ V. Quan-niệm của người Ai-cập cổ về sự vĩnh-hằng ở thế-giới của các thần-linh sau khi chết, nên việc ướp xác cũng là đức tin cho sự trường-tồn của vương-quốc Ai-cập. Nguyên-tắc ướp xác của người Ai-cập cổ-đại, dựa trên việc làm mất nước trong cơ-thể người chết và lấy đi các bộ-phận dễ phân hủy như nội-tạng và bộ não. Nghệ-thuật lấy não người chết thật tài-tình, nhiều năm làm các chuyên-gia giải-phẩu lúng-túng về phương-pháp bảo-vệ hộp sọ của người chết trong khi não được lấy ra một cách hoàn-hảo. Bước tiếp theo, xác ướp được bao phủ bằng natron để tăng tốc quá-trình khử nước và ngăn chận phân hủy. Sau hết là nhồi cỏ khô thơm vào phần rỗng của nội-tạng, xoa dầu thơm và quấn vải lanh lên thi-thể một cách cẩn-thận và chu-đáo. Cuối cùng, xác ướp được chôn cất theo nhiều cách-thức tương-xứng với địa-vị xã-hội của người chết. Những cá-nhân thuộc tầng lớp thấp, chỉ được ướp xác một cách đơn-giản và bỏ vào một hầm mộ sơ-sài hay bên rìa của một hầm mộ lớn. Những người ở tầng lớp trên, sẽ được chôn cất rất kỹ-lưỡng trong hầm mộ có trang-trí. Những người ở cấp bậc cao nhất, như các pharaons, sẽ được chôn trong quan-tài nhiều lớp bằng đá, và thường được trau chuốt rất tỉ-mỉ. Có lẽ lễ-nghi chôn cất quan-trọng nhất là «lễ mở miệng». Một thầy tu dùng que móc chạm vào miệng xác ướp, giả bộ mở miệng, để xác ướp có thể hô-hấp và truyện vãn trong cuộc sống tiếp sau. Những người đầu tiên «được ướp xác» có niên-đại khoảng năm 3.300 trước Chúa giáng-sinh, dù không phải là những xác ướp nổi tiếng như Ramses II hay Seti I. Xác ướp hiện vẫn chưa chính-thức được biết là của ai nầy, đang được trưng-bày tại Viện Bảo-tàng Anh-quốc và đã được đặt tên hiệu là «Ginger», bởi vì xác có mái tóc đỏ. Nhưng những xác ướp được thế-giới biết và nổi tiếng nhất là của Ai-cập cổ. Đó là xác ướp vua Pharaoh Tutankhamun, trị-vì từ năm 1333 đến năm 1323 trước Chúa giáng-sinh. Ông là Pharaoh trẻ nhất trong các triều-đại Ai-cập cổ-đại. Xác ướp nổi tiếng thứ hai là vua Ramses II. Ramses II là Pharaoh 3 của vương-triều thứ 19 Ai-cập cổ-đại. Ramses II được ghi nhận là một trong những Pharaoh vĩ-đại và quyền-lực nhất trong lịch-sử Ai-cập cổ. Ông trị-vì từ năm 1279 đến năm1213 trước Chúa giáng-sinh. Tổng-cộng là 66 năm ở ngôi báu. Lưu-ý: Từ 30/09 đến 24/03/2008, tại thành phố Mannheim, Đức-quốc, Viện Bảo-tàng Reiss-Engelhorn sẽ tổ-chức cuộc triển-lãm mang chủ-đề «Những Xác Ướp, Giấc Mơ Cuộc Sống Vĩnh-Cửu» với hơn 70 xác ướp từ khắp mọi nơi trên thế-gìới như Chí-lợi, Pérou, Hung-gia-lợi, Ai-cập và Tân-tây-lan. 2.- Điểu-táng Điểu = chim, táng = chôn. Chôn người chết bằng cách đem tử-thi lên núi cao hay đưa ra đồng trống để cho diều quạ và thú dữ ăn. Chẳng hạn như sắc-tộc Mông-cổ ở châu Á, các gia-đình nghèo thường vất xác chết của thân-nhân họ ra ngoài đồng ruộng hay trong rừng hoang, vì hoả-thiêu quá tốn kém đối với họ. Đặc-biệt là dân-tộc Tây-tạng, mỗi khi có người chết, họ tụ tập nhau cầu kinh rất nhiều ngày đêm, rồi sau đó, âm-công lo việc điểu-táng phân tử-thi thành nhiều miếng, đưa ra ngoài thảo-nguyên. Nơi đó, những đàn quạ và diều hâu đã quen thói, xếp hàng sẵn lặng-lẽ chờ đợi. Khi âm-công vừa đổ xác ra, chúng ào ào bay tới, cắp đi mỗi con một miếng! Đối với người Tây-tạng, cái chết không có gì là ghê-gớm cả, mà chỉ là một sự chuyển-tiếp. Linh-hồn cư-trú nơi thân xác, khi chết phải phát-tán khắp nơi thì mới được sớm siêu-thoát, chứ không thể vương-vấn chốn cũ. 3.- Không-táng Không-táng hay Huyền-táng. Một lối chôn người chết bằng cách treo (huyền) thi-thể lên cây hay trên vách núi đá giữa không-khí. Ở châu Đại-dương (Océanie), có vài bộ-lạc, khi trong gia-đình có một thân-nhân nằm xuống, người nhà đem họ đặt vào một thân cây đã khoét rổng, hoặc bọc xác họ bằng những vỏ cây. Xác được bọc theo thế ngồi xổm, tức theo thế nghỉ. Vì họ cho rằng, chết là nghỉ-ngơi, là một giấc ngủ dài! Đối với người Papous, họ không treo xác chết lên cây, nhưng đem phơi khô rồi cất giữ trong nhà. Một vài bộ-lạc, ở châu Đại-dương nầy lại để xác thối rữa trong một căn nhà riêng, rồi sau đó, nhặt xương đem để vào hốc đá, hoặc một huyệt nhỏ đào trong rừng sâu. Tại châu Mỹ, dân Darien ở Colombie, mỗi khi người thân qua đời. Họ mổ bụng, moi lấy hết ruột gan, rồi độn nhựa vào đem ra phơi nắng. Chừng nào xác khô, họ sẽ đem cất trong nhà, có khi đặt trên một chiếc võng, hoặc bỏ vào hòm gỗ, trên nắp chạm mặt người chết. Một vài bộ-lạc ở Bắc Mỹ, thường không chôn và cũng không thiêu, họ theo lối người Polynésiens là đem xác chết đặt trên bệ đá ở ngoài đồng hoang hay trong rừng vắng. 4.- Thủy-táng Thủy = nước. Thủy-táng là bỏ xác người chết xuống giòng sông hay lòng biển cho cá mú ăn. Cách-thức nầy không những đã được thực-hiện theo thói tục của nhiều nước trên thế-giới, mà còn đặc-biệt dành riêng cho người Việt-nam, sau biến-cố tháng Tư đen. Tại Ấn-độ, sông Hằng được xem là sông thánh. Nước sông Hằng gột sạch được mọi tội lỗi, nên người theo tín-ngưỡng Hindu, thường tắm gội giữa giòng sông nầy. Khi còn sống, uống nước sông Hằng là điềm lành, nên khi chết họ yêu-cầu được đốt xác bên bờ sông, để rồi «thủy-táng» tro tàn xuống nước. Cách thực-hiện nầy làm ta liên-tưởng đến đồng-bào Phật-giáo Việt-nam chúng ta, ngày nay ở một vài nơi bên Hoa-kỳ, sau khi đã hoả-thiêu người thân, nhà Chùa tổ-chức cuộc thủy-táng, tức rải tro xuống biển. Ở Á châu, tại Thái-lan, đôi khi người ta cũng thả xác người chết trôi sông. Còn ở châu Mỹ la-tinh, bộ-lạc Salivas, hiện sinh sống giữa miền châu-thổ hai sông Vichada và Guaviare, có thói tục khóc người chết đủ ba ngày rồi đem vất xác trôi sông, như những người Tân-Tây-Lan tại Úc châu thường làm. Nhưng cuộc «thủy-táng» vĩ-đại nhất, có thể nói là vô tiền khoáng hậu, chính là hơn 300.000 thuyền-nhân Việt-nam, dưới những cảnh-ngộ khác nhau, đã vùi xác trong lòng Biển Đông, sau ngày miền Nam «được giải-phóng». Trong cuốn «Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông» do nhiều tác-giả thuyền-nhân đã kể lại bước đường gian-truân của chính mình, khi họ vượt biển đi tìm tự-do. Trong cuộc «hành-trình» nầy, hầu như trên tất cả các con thuyền định-mệnh, đều có người chết và xác phải thả xuống lòng biển cả. Bài «Thủy-táng» do chị Nguyễn Thị Hồng-Nhung kể lại, là một trong những trường-hợp đã xảy ra (xem CKHTBĐ từ trang 99 đến 117). II.- ĐỊA-TÁNG Kể từ thời tiền-sử, ta đã thấy con người sơ-khai rất lo-lắng cho người chết. Cách săn-sóc bằng nhiều hình-thức khác nhau, chứng tỏ họ tin-tưởng vào sự sống còn sau cái chết. Văn-hoá Ai-cập tin rằng, thân-thể là nơi trú-ngụ cho linh-hồn, người Ai-cập gọi là Ka và đó là phần chủ-chốt của con người trong kiếp sau. Nếu thi-thể được bảo-quản tốt, thì linh-hồn sẽ hoà-nhập sau một thời-gian nào đó. Chính vì quan-niệm ấy mà người Ai-cập cổ đã thực-hiện việc ướp xác, trước khi mai-táng. 1.- Lịch-sử Địa-táng Vào thời tiền-sử, lúc loài người còn ăn lông ở lỗ, trú-ngụ trong các hang hốc, như loài chồn cáo. Khi có người chết, kẻ còn sống không đào hố chôn, nhưng đem thi-hài bỏ vào một hang động khác. Họ đặt xác chết, theo thế ngồi, trên một phiến đá đã nung nóng. Khi nào xác đó chỉ còn lại bộ xương khô, họ dồn xương vào phía trong cùng, dành chỗ cho người mới chết. Các nhà khảo-cổ-học người Pháp đã tìm thấy hơn 200 bộ xương tại hang động Nanteuil-Vichel trong tỉnh Aisne, nước Pháp. Đến thời-đại đồ đồng, khoảng 2.500 năm trước công-nguyên, người ta vẫn «chôn» xác người chết theo thế ngồi như thế trong các hang động thiên-nhiên, nhưng họ lại thường để thêm bên cạnh thi-hài những vật-dụng của người quá-cố đã dùng khi còn sinh-tiền. Vào thời-đại đồ sắt, khoảng 1.100 năm trước công-nguyên, người ta mới thấy xuất-hiện cách chôn xác với chiếc hòm được đục trong một khúc gỗ sồi. Sau khi đặt hòm xuống hố, với những tấm đá lát, họ đắp lên thành nấm mộ cao (tumulus), hoặc họ dùng những hòn sỏi, sắp xếp khá lớp-lang như hình quan-tài xung quanh hố chôn người chết. Các hố chôn thường sâu từ 0m80 đến 1m. Vào thời Chúa Giêsu và những thế-kỷ kế tiếp về sau, luật La-mã cấm hoả-táng, vì họ vẫn tin xác người chết sẽ sống lại, nên cách tống-táng phổ-thông hơn hết là đặt người chết vào huyệt đá đã đục sẵn trong núi, rồi lấy một tảng đá lấp cửa huyệt lại. Cách mai-táng nầy chúng ta đã bắt gặp trong Phúc-âm, khi Chúa Giêsu cho thánh Lagiarô chết chôn bốn ngày sống lại (xem Gn 11, 38-44) và huyệt đá mới táng xác Chúa (xem Mc 15,46) trước ngày phục-sinh. Một cách mai-táng khác, đối với các tín-hữu tiên-khởi, trong thời-kỳ bị cấm-cách bởi các vua La-mã. Suốt 300 năm, kể từ Néron (54-68) đến Dioclétien (284-305), giáo-hội Chúa Kitô luôn luôn chịu sự bách-hại. Để chôn các vị tử đạo, và cũng để trốn lánh, các tín-hữu đã đào những địa-đạo sâu từ 8 đến 25 mét, ở những vùng đá ong. Một loại đá rất mềm, dễ đào, nhưng khi tiếp-xúc với không-khí thì trở nên cứng rắn. Hai bên vách địa-đạo, các tín-hữu khoét những hộc (loculi) hình chữ nhật, rồi đặt người chết vào đó, lấp cửa lại bằng một phiến cẩm-thạch hay bằng một tấm đất sét nung. Đó là những hang toại-đạo thánh Callisto, Sebastiano, Domitilla… ở đường Appia Antica và Ardeatine, Roma, Ý-đại-lợi. Hiện nay, tại Nam Mỹ, bộ-lạc Patagons (tức Tchuechans), một bộ-lạc ít người, đang trên đường tuyệt-chủng, thường chôn người chết theo thế ngồi (accroupi).. 2.- Quan-niệm về Địa-táng Lần giở những trang Thánh Kinh Cựu-ước, để tìm xem quan-niệm về địa-táng, ta thấy dân Do-thái, tức là «dân Chúa chọn» cũng như các dân những xứ lân-cận, đều cho là một sự khốn-nạn khủng-khiếp, nếu xác chết không được chôn cất (Tv. 79,3). Đó là một hình phạt đáng sợ nhất mà các tiên-tri đã ngăm đe những người bội-phản (Giê. 22,18-19). Vì thế, dân Do-thái rất lo-lắng trong vấn-đề tống-táng theo gương tổ-phụ Abraham. Chính Abraham đã mua đất ruộng Hếp-rôn đối-diện với Mêm-rê, thuộc xứ Ca-nan làm nơi chôn cất Sa-ra, vợ ông (xem St. 23, 1-20) và về sau, Abraham cũng đã được hai con trai là I-sa-ac và Ít-ma-en chôn cất ở đó, bên cạnh Sa-ra (xem St. 25, 7-11). Tống-táng, trước tiên là bổn-phận của người làm con cái đối với cha mẹ đã chết (xem St.35,29), thứ đến là việc nghĩa đối với tất cả mọi người, đặc-biệt là người công-giáo. Chính Tôbia đã nêu gương sáng chói về việc «chôn xác kẻ chết» (xem Tob. 2,4-. Việc nầy Giáo-hội Công-giáo vẫn luôn nhắc nhở cho con cái của mình qua điều thứ bảy, trong kinh «thương xác bảy mối» mà giáo-hữu Việt-nam chúng ta thường đọc mỗi ngày Chúa-nhật. 3.- Lễ-nghi Địa-táng Trong việc «chôn cất theo phép Hội thánh», Giáo-luật điều 1176, tiết 1 và 2 đã dạy: «Các tín-hữu qua đời phải được an-táng theo nghi-thức Giáo-hội, do luật định. Qua lễ-nghi an-táng, Giáo-hội cầu xin ơn trợ giúp thiêng-liêng cho người quá-cố, tôn kính thi-hài của họ, và đồng-thời, đem lại ủi-an và hy-vọng cho người còn sống. Các lễ-nghi phải được cử-hành đúng theo quy-luật phụng-vụ». Vì thế, các kinh nguyện hay các nghi-lễ, bất cứ dưới hình-thức nào, trọng-tâm của nó vẫn là lòng «Tin» và niềm «Cậy» vào Chúa Kitô phục-sinh. Những nghi-thức nào hay những cử-chỉ nào đi ngược lại với «lòng tin-tưởng» và «niềm cậy-trông» ấy, thì đều bị cấm-chỉ. a/ Lòng Tin: Như thư thánh Phaolô gởi Cộng-đoàn Tín-hữu Côrintô đã diễn-tả lòng tin-tưởng về hồn thiêng bất-tử và sự sống lại vinh-quang (xem 1Cor. 15, 35-57). Sự chết, đối với tín-hữu, là phương-thế tham-dự trọn vẹn vào Mầu-nhiệm Phục-sinh của Chúa Kitô. Chết đi để được «sống lại vẹn tuyền» (1 Cr. 15,52). b/ Niềm Cậy: Việc tống-táng, dù bằng phương-thức nào (địa-táng hay hoả-táng), đối với tín-hữu qua đời phải là một cuộc mở đầu đi vào đời sống vĩnh-cữu. Các nghi-thức được hướng tới sự miêu-tả ba bí-tích: Rửa tội, Thêm sức và Thánh-thể mà người quá-cố đã nhận lãnh trong Giáo-hội giao-công (Eglise militante) ở trần-thế, để nay bước vào ngưỡng cửa đời đời với Giáo-hội khải-hoàn (Eglise triomphante) ở trên trời. + Người quá-cố đã «được tái-sinh bởi nước và Thánh-linh» (Gn 3,5) được làm «con cái Chúa» (Rom. 8,29) và con cái Hội thánh, nhờ bí-tích Rửa tội. Bí-tích nầy được nhắc-nhở hai lần: Lần thứ nhất là việc mộc-dục (tắm rửa xác và cho mặc áo mới). Người nghèo khó đến đâu cũng cố-gắng cho người chết có được một tấm áo mới. Đúng như ca-dao Việt-nam: «Thế-gian còn dại chưa khôn, Sống mặc áo rách chết chôn áo lành». Lần thứ hai là lúc chủ-tế rảy nước thánh lên quan-tài, trong phần nghi-thức vĩnh-biệt lần cuối (dernier adieu). + Việc xức dầu thánh ngày chịu phép Thêm sức được gợi ý trong việc tắm rửa xác với nước ngũ-hương (đàn-hương, dã-hương, hoa-hương-nhu, quế-chi và đại-hồi) hoặc bất kỳ thứ gì làm cho xác sạch và thơm. Ngày nay, nước hoa đã chế-tạo sẵn, có nhiều loại quý và đắt tiền, ta chỉ cần tìm mua trong các Tiệm Nước Hoa. Thực ra, việc ướp nước hoa, người tây-phương ngày nay không thực-hiện nữa, nhưng người đông-phương, đặc-biệt là những gia-đình quyền-quý và giàu sang, thì còn giữ tập-tục nầy. Tuy nhiên, ðây là cử-chỉ nằm trong vòng thân-mật tang-gia và không có một nghi-thức gì do Hội thánh đề-nghị, nên hoàn-toàn chẳng bó buộc. Nhưng nếu vì tinh-thần «tôn-kính thi-hài người quá-cổ» (GL.1176) mà thực-hiện, cũng như vì «tôn kính» mà chủ-tế đã xông hương quan-tài, thì cũng là dịp tốt để kẻ còn sống vừa tỏ lòng hiếu-thảo đối với người chết, vừa giúp họ suy-nghĩ về đời sống và lẽ sống của đời họ. + Còn về bí-tích Thánh-thể, thì đã từ lâu đời, thánh lễ được cử-hành trước linh-cữu, tượng-trưng cho việc tham-dự vào bàn tiệc thánh. Nhưng ngày nay, vì vấn-đề khan-hiếm linh-mục, vả lại nghi-thức tống-táng cũng không phải là một bí-tích, nên không hẳn cần có thừa-tác-viên chức thánh. Vì thế, ta thấy một số giáo-xứ hiện nay, trong các giáo-phận của các quốc-gia, có nhóm phụ-trách việc nầy, mỗi khi không có linh-mục. Theo nghi-lễ tống-táng, những lúc quan-trọng đã được dự-tính là: 1/ Cầu kinh với tang-gia: Cầu nguyện cho kẻ chết và chia buồn với người sống. Sự hiện-diện của cộng-đoàn, của bà con bạn hữu… là mối an-ủi đỡ nâng tinh-thần cho các thành phần trong tang-gia đang rối loại. 2/ Đêm canh-thức cầu-nguyện: Họp nhau đọc kinh, cầu-nguyện bên thi-hài người quá-cố trong bầu không-khí cảm-thông và yên tĩnh. Nhớ lại những lúc ta chung sống với người quá-cố, những gì Chúa đã phán hứa… Qua việc lắng nghe nầy sẽ tạo nên sự trầm-mặc cho buổi kinh. 3/ Lúc đậy nắp hòm: Lúc nầy là lúc cảm-động nhất. Vì từ đây, một hình bóng sẽ vĩnh-viễn không còn thấy nữa. Biệt-ly nhưng hy-vọng. Hy-vọng người chết đã được về với Chúa. Mọ người hy-vọng sẽ gặp lại nhau trên thiên-quốc. 4/ Ra khỏi nhà đến thánh-đường: Từ nhà loài người đến nhà Thiên-Chúa. Từ giáo-hội giao-công ở trần-thế đến giáo-hội khải-hoàn ở trên thiên-quốc. Các thế-kỷ đầu, đám táng được tổ-chức như là một cuộc rước kiệu khải-hoàn. Thân-nhân lộ vẻ vui mừng, vì tin-tưởng kẻ chết đã được về trong ánh vinh-quang muôn đời của Chúa. 5/ Tại nhà thờ: tang-gia và cộng-đoàn: Tụ-họp quanh những người đang đau-khổ buồn phiền là dấu chỉ tình liên-đới nhân-loại. Tụ-họp trong nhà thờ, nơi Chúa đang hiện-diện để lắng nghe lời Chúa và củng-cố niềm Tin; để cầu xin với Chúa tha tội cho người quá-cố và thêm sức mạnh thiêng-liêng cho thân-nhân; để cám ơn lòng Chúa thương yêu đã biểu-lộ trong Đức Kitô chết và phục-sinh để cứu vớt chúng ta. Phú-thác người quá-cố cho Chúa. Hy-vọng sẽ gặp nhau. 6/ Tại nghĩa-địa: Nơi an nghỉ cuối cùng trong khi chờ ngày sống lại. Với người chết: Đã hoàn-tất cuộc lữ-hành trần-thế. Với người sống: Còn tiếp-tục sống trong hy-vọng và luôn nhớ câu thánh Bênađô tự bảo mình, mỗi khi ngài nghe tin có người chết: «Hôm nay phiên mầy, ngày mai đến phiên tao». Qua 6 giai-đoạn của nghi-thức tống-táng trên, Giáo-hội đặc-biệt cầu-nguyện cho người đã chết, nhưng cũng chú-trọng đến người còn sống nữa. Trong số những kẻ tham-dự, đôi khi có những người ngoài công-giáo hoặc công-giáo mà sống đạo ơ hờ, hay tệ hơn, là đã bỏ đạo, đã mất Đức Tin. Vì thế, Giáo-hội khuyến-khích những người hữu-trách, nhất là các linh-mục, phải giúp tín-hữu phát-triển niềm Tin của họ vào Mầu-nhiệm Chúa Kitô Phục-sinh và tín-điều «xác loài người ngày sau sống lại». Tùy người, tùy hoàn-cảnh, kẻ phụ-trách khéo-léo giúp người tham-dự hiểu ý-nghĩa các nghi-lễ của Giáo-hội về vấn-đề nầy.
Défunts. * Đặng Văn Lung, Phong-tục tập-quán các dân-tộc Việt-nam. * G.Pini, Crémation en Italie et à lEtrangers * Guillaume Depping, Br#lons nos morts - La Crémation. * J.Pouts - J.Servel, Veillées Familiales auprès d’un défunt. * Louis-Vincent, Rites des Morts, pour la Paix des Vivants. * M.F.Martin, Cimetière et Crémation. * M.Paul St-Olive, Inhumation et Crémation. * Nhiều Dịch-giả, Bộ Giáo-luật - Ấn-bản Việt-ngữ * Nhiều Tác-giả, Chuyện Kể Hành-Trình Biển Đông. * Patricia Belhassen, La Crémation: le Cadavre et la Foi. * Phan Thuận Thảo, Tục cưới gả, tang ma của người Việt-nam. * P.Abdon Santaner, Poussière ou Cendre? * Prosper de Pietra Sa (tiếp kỳ tới) III. HOẢ TÁNG | |
|