Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư
Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).
Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: "Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi". Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.
Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải "quay trở lại" một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ "canh tân" trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.
Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.
Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.
Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv. không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xả hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.