CHƯƠNG XIV
CHUẨN BỊ CHO VIỆC XƯNG TỘI LẦN ĐẦU
Việc chuẩn bị gần cho các em lãnh nhận bí tích Hoà Giải gồm các việc sau đây :
I. Ôn bài và tập cho các em lãnh nhận bí tích Hoà Giải.
Sách Giáo lý Sơ cấp 2 :
1. Tội là gì ?
- Bài 12 : Tội lỗi làm ta xa Chúa (1).
- Bài 13 : Tội lỗi làm ta xa Chúa (2).
Giáo lý viên hãy giúp các em hiểu đúng về tội. Tội không chỉ là lỗi luật, nhưng đúng nhất là “ không đáp lại tình yêu của Thiên Chúa”.
2. Bài 28 : Chúa Giêsu lập Bí tích Hoà giải.
Giáo lý viên hãy giúp các em hiểu Bí tích Hoà giải là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ này phải diễn ra trong niềm vui và mang lại bình an chứ không phải là cuộc xét xử khủng khiếp, buồn thảm.
3. Bài 29 : Chúa Giêsu tha tội cho ta.
Giáo lý viên hãy giúp các em hiểu Bí tích Hoà giải nhằm đổi mới tâm hồn và đời sống mỗi người. Do đó, Bí tích Hoà giải không chỉ xoá tội đã phạm nhưng còn đổi mới, cải thiện, đánh dấu một chặng đường mới.
4. Bài 30 : Dọn mình xưng tội (1).
-Bài 31 : Dọn mình xưng tội (2)
Giáo lý viên giúp các em hiểu và thực hành những việc sau đây :
a. Xét mình :
Giáo lý viên tập cho các em :
- Cầu xin Chúa soi sáng trước khi xét mình.
- Xét mình : dựa vào “ bảng xét mình” trong sách Giáo lý Sơ cấp 2, trang 73.
Giáo lý viên nên giúp từng em xét mình và ghi lại những điều sai lỗi. Cố gắng giúp các em nhớ lại bao nhiêu lần sai lỗi, nếu các em không nhớ rõ thì nhớ khoảng chừng bao nhiêu lần. Đây là cách thức giúp các em xét mình kỹ lưỡng vào các lần xưng tội sau.
Sau đó, Giáo lý viên nhờ cha mẹ các em xem lại và giúp các em xét mình kỹ hơn.
Giáo lý viên cần lưu ý rằng đây không phải là chỉ dậy các em thuộc lòng hay biết sử dụng bảng xét mình có sẵn, nhưng là huấn luyện lương tâm nghĩa là giúp các em biết kiểm điểm và đánh giá các hành vi của các em trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa. Giáo lý viên và phụ huynh phải dồn nỗ lực vào điểm này.
b. Ăn năn tội :
Sau khi đã xét mình xong, Giáo lý viên giúp các em ăn năn tội : Đây là việc quan trọng nhất của việc lãnh nhận Bí tích Hoà giải. Trong phần này, Giáo lý viên giúp các em làm hai việc sau đây :
- Hối hận vì những sai lỗi xúc phạm đến Chúa và xin ơn tha thứ.
- Quyết tâm sửa lại những sai lỗi ấy.
Giáo lý viên hãy nói với các em rằng Chúa Giêsu luôn trợ giúp và nâng đỡ cố gắng chừa tội của các em.
c. Xưng tội.
- Bài 32 : Cách xưng tội ( 1 )
- Bài 33 : Cách xưng tội (2 )
@. Cách nói khi vào xưng tội.
Giáo lý viên cho các em học thuộc lòng cách nói khi vào xưng tội trong sách Giáo lý Sơ cấp 2, trang 77.
@. Lắng nghe cha giải tội khuyên nhủ và ra việc đền tội.
Giáo lý viên dặn dò các em : sau khi xưng tội xong biết chăm chú lắng nghe cha giải tội khuyên nhủ và nhớ việc đền tội cha chỉ cho.
@. Giục lòng ăn năn tội khi cha giải tội đọc lời tha tội :
Giáo lý viên dậy các em biết giục lòng ăn năn tội khi cha giải tội đọc lời tha tội. Khi cha giải tội đọc tới câu: “ Cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần” thì các em làm dấu thánh giá và thưa : Amen.
Khi hướng dẫn các em cách thức giục lòng ăn năn tội trong lúc cha giải tội đọc lời tha tội, Giáo lý viên lưu ý :
* Một mặt phải tránh hình thức đọc kinh ăn năn tội cách máy móc.
* Một mặt phải tránh tình trạng mơ hồ : các em không biết làm gì để xin ơn tha thứ.
Tốt nhất, Giáo lý viên nên hướng dẫn các em như sau: khi cha giải tội đọc lời tha tội, các em hãy lắng nghe cha đọc lời tha tội và trong lòng thầm thĩ xin Chúa tha thứ tội lỗi cho mình, hoặc đọc thầm kinh “ăn năn tội” hoặc một lời cầu xin ngắn như “Lậy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội” ….
d- Làm việc đền tội :
Giáo lý viên dặn các em sau khi xưng tội ra ngoài nhớ làm việc đền tội mà Cha giải tội đã chỉ.
Giáo lý viên hãy giải thích cho các em hiểu ý nghĩa của việc đền tội : Chính Chúa Giêsu đã đền tội thay cho các em qua cái chết thập giá. Việc làm việc đền tội mà cha giải tội chỉ cho : có thể là đọc kinh, hay làm một việc bác ái, hy sinh, đạo đức nào đó… chỉ là một việc hiệp thông với cái chết của Chúa hay chỉ là một góp phần nhỏ nhoi vào việc Chúa chịu chết trên thánh giá để đền tội của các em, là một lời cầu xin Chúa tha thứ và là một nhắc nhớ đến hậu quả của tội lỗi gây ra.
Lưu ý :
- Giáo lý viên phải hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết và nhiều lần cho các em biết cách xét mình, ăn năn tội, xưng tội và làm việc đền tội.
- Tập cho từng em cách xưng tội từ đầu tới cuối như thật.
II. Tĩnh tâm cho các em.
Khi sắp lãnh nhận bí tích, Cha Xứ và Giáo lý viên nên dành ít thời gian cho các em hồi tâm, cầu nguyện để lãnh nhận bí tích Hoà giải. Nội dung hướng dẫn cầu nguyện là khai triển tình thương, lòng thương xót luôn tha thứ của Chúa và giúp các em biết đáp trả tình thương của Chúa bằng cách đổi mới cuộc sống.
III. Sự cộng tác của các phụ huynh.
Để việc lãnh nhận Bí tích Hoà giải được tốt, các phụ huynh cần cộng tác với Cha Xứ và các Giáo lý viên các công việc sau đây vào thời kỳ chuẩn bị gần :
1. Thúc giục các em đi lễ hằng ngày, ôn bài và tập cách lãnh nhận Bí tích Hoà giải.
2. Giúp các em xét mình cùng với các Giáo lý viên.
3. Tham dự buổi tĩnh tâm để cầu nguyện cho các em.
4. Dắt con cái mình vào toà giải tội để xưng tội lần đầu và cùng xưng tội với các em.