Đá tảng Phêrô
Khi kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Simon, anh của Anrê, thánh sử Gioan ghi nhận sự kiện độc đáo: Đức Giêsu “nhìn ông và nói: anh là Simon con ông Giôna? Anh sẽ được gọi là Cephas, nghĩa là đá” (Ga 1,42).
Đức Giêsu không có thói quen đổi tên các môn đệ. Ngoại trừ biệt danh “con của sấm sét” Người gán cho các con ông Giêbêđê trong hoàn cảnh đặc biệt và không bao giờ dùng lại (x. Mc 3,17), Người không ban cho bất cứ môn đệ nào tên gọi mới.
Thế nhưng Người đã ban cho Simon tên gọi mới là Cephas. Tên gọi này được dịch sang tiếng Hi Lạp là Petros và trong tiếng La tinh Petrus. (Tên gọi Phêrô trong tiếng Việt phiên âm khá sát tiếng La tinh). Dịch như vậy thật chính xác vì đây không chỉ là một tên gọi nhưng là “bài sai” mà Phêrô lãnh nhận từ nơi Chúa. Tên gọi Phêrô được nhắc đến nhiều lần trong các sách Tin Mừng và cuối cùng thay thế luôn tên “cúng cơm” của thánh nhân là Simon. Sự kiện này có tầm quan trọng đặc biệt nếu chúng ta nhớ lại trong Cựu Ước, việc thay đổi tên gọi thường đi trước việc trao ban sứ mệnh.
Thật vậy, nhiều dấu hiệu cho thấy Chúa Kitô muốn trao cho Phêrô vị trí đặc biệt trong Tông đồ đoàn: ở Capharnaum, Người vào nhà Phêrô; khi đám đông chen lấn trên bờ hồ Giênêsareth, Đức Giêsu nhìn thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ và Người chọn thuyền của Phêrô; vào nhiều dịp, khi Đức Giêsu chỉ đem theo ba môn đệ thì Phêrô luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến, chẳng hạn khi Người cho con ông Giairô sống lại, khi Người biến hình, hoặc trong cơn hấp hối ở vườn Cây Dầu. Thêm nữa, khi những người thu thuế Đền thờ yêu cầu, Đức Giêsu chỉ trả thuế cho Người và Phêrô; cũng chính Phêrô là người đầu tiên được rửa chân trong Bữa Tiệc Ly; cũng chỉ có Phêrô mới được Chúa cầu nguyện cho vững lòng tin để ông có thể làm cho anh em được vững tin.
Hơn thế nữa, thánh Phêrô biết rõ về vị trí đặc biệt của mình: ông thường nói thay cho những anh em khác, xin Chúa giải thích một dụ ngôn khó hiểu, giải thích ý nghĩa chính xác của một huấn lệnh hoặc lời hứa chính thức về phần thưởng (Mt 19,27).
Cũng chính Phêrô là người thay mặt anh em để đứng ra giải quyết một vài hoàn cảnh khó khăn. Khi Đức Giêsu buồn phiền vì bị đám đông hiểu lầm sau bài giảng về Bánh hằng sống, Người hỏi “Cả anh em cũng bỏ đi chứ?”, Phêrô đã trả lời thật tuyệt: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con theo ai? Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67-69).
Tương tự như thế là lời tuyên xưng đức tin ở Cêsarê Philipphê. Khi Đức Giêsu đặt câu hỏi: “Anh em nói Thầy là ai?”, Phêrô đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-16). Đức Giêsu đáp lại bằng lời tuyên bố long trọng về vai trò của Phêrô trong Hội Thánh: “Thầy bảo anh, anh là Phêrô (nghĩa là Đá) và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy… Thầy sẽ ban cho anh chìa khóa Nước Trời, bất cứ điều gì anh cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, điều gì anh cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở”.
Ở tự nó, ba hình ảnh Đức Giêsu dùng đã nói lên ý nghĩa rõ ràng: Phêrô sẽ là Đá nền trên đó Chúa xây nhà của Chúa; Phêrô sẽ nắm chìa khóa Nước Trời để mở hoặc đóng cho những ai thích hợp; cuối cùng, Phêrô có thể cầm buộc hay cởi mở, nghĩa là thiết lập hay ngăn cấm những gì ngài thấy cần thiết cho đời sống Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh đó là Hội Thánh của Chúa Kitô chứ không phải của Phêrô.
Ưu thế mà Đức Giêsu muốn ban cho Phêrô cũng được lập lại sau biến cố Phục Sinh. Đức Giêsu trao cho các phụ nữ trách nhiệm báo tin đặc biệt cho Phêrô như thể tách riêng ra khỏi các tông đồ khác (Mc 16,7). Cũng chính Phêrô và Gioan được Maria Magđala chạy đến báo tin là tảng đá chắn cửa mồ đã lăn sang một bên, và khi hai người chạy đến mộ, Gioan đã để cho Phêrô vào trước.
Như thế, Phêrô là chứng nhân đầu tiên của sự kiện Phục Sinh. Vai trò được nhấn mạnh của ngài ghi dấu tính liên tục giữa vị trí ưu tuyển của ngài trong tông đồ đoàn, và vị trí ưu tuyển của ngài trong cộng đoàn phát sinh từ biến cố Vượt Qua như sách Công Vụ cho thấy.
Cách ứng xử của ngài được xem như mang tính quyết định cho nên nhanh chóng tạo ra những lời khen ngợi cũng như phê phán (Cv 11,1-18; Gl 2,11-14).
Tại Công đồng Giêrusalem, Phêrô đóng vai trò hướng dẫn, và cũng chính vì ngài là chứng nhân của đức tin chân chính nên Phaolô nhìn nhận nơi ngài có những phẩm chất của nhà lãnh đạo.
Hơn thế nữa, vị trí đặc biệt này có thể hiểu được nếu nhớ lại Bữa Tiệc Ly, trong đó Chúa Kitô trao cho Phêrô thừa tác vụ củng cố đức tin của anh em (Lc 22,31 tt). Điều đó cho thấy sứ vụ được trao cho Phêrô là một trong những yếu tố cấu thành của Hội Thánh, phát sinh từ sự tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong Thánh Lễ.
Khi chúng ta nhìn vị trí ưu tuyển của Phêrô trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, vào thời điểm Chúa lập phép Thánh Thể, lễ Vượt Qua của Chúa, thì chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa tối hậu của sứ vụ thánh Phêrô được trao: Phêrô phải là người canh giữ sự hiệp thông với Chúa Kitô ở mọi thời đại. Ngài phải dẫn dắt Dân Chúa đến sự hiệp thông với Chúa Kitô; ngài phải giữ gìn sao cho tấm lưới không bị rách, nhờ đó sự hiệp thông phổ quát được tồn tại vững bền.
Do đó, Phêrô có trách nhiệm bảo đảm mối hiệp thông với Chúa Kitô bằng tình yêu dành cho Chúa Kitô, hướng dẫn Dân Chúa sống tình yêu này trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện để vị trí ưu tuyển của Phêrô, được trao phó cho những con người giới hạn, luôn được thi hành như lòng Chúa mong muốn, và xin cho ý nghĩa đích thực này cũng được nhìn nhận bởi những anh chị em chưa hoàn toàn hiệp thông với chúng ta.
Bênêđictô XVI, The Apostles, Libreria Editrice Vaticana, 2007, 55-59.