Giáo trình: ĐỂ DẠY GIÁO LÝ HỮU HIỆU HƠN
BÀI 3: NỘI DUNG GIÁO LÝ
“Tôi vẫn nghĩ rằng mình đang dạy những điều Giáo Lý cơ bản, nhưng phụ huynh và ngay cả một số Giáo Lý Viên nhắc nhở rằng tôi chỉ có nói đến yêu thương, bác ái... Như thế có nghĩa là tôi dạy chẳng có nội dung gì cả. Vậy tôi phải dạy những gì ?
Vấn đề của bạn cũng là vấn đề chung của các Giáo Lý Viên. Trước đây người ta thường trả lời đơn giản: muốn dạy giaó lý hãy dạy những gì có trong sách Giáo Lý như Kinh Tin Kính, mười điều răn, bảy Bí Tích, các kinh đọc. Nhưng ngày nay, câu trả lời dù có vắn tắt cũng phức tạp hơn nhiều, bởi vì nội dung Giáo Lý thì phong phú hơn nhiều so với các văn bản Giáo Lý
1. PHÂN LOẠI NỘI DUNG:
Trong Giáo Lý có nhiều loại nội dung. Chẳng hạn có nội dung tiệm tiến ( vd: cầu nguyện tự phát ) và nội dung nền tảng ( vd: các kinh truyền thống của Giáo Hội ). Thứ đến có nội dung tâm tình ( vd: tâm tình tin tưởng và phó thác ), và nội dung nhận thức ( vd: câu chuyện niềm tin của Áp-ra-ham, lòng thương xót của Chúa Giê-su ). Và cũng còn có nội dung không lời ( vd: cảm nhận tình yêu thương ), và nội dung bằng lời ( vd: diễn tả Thiên Chúa tình yêu ).
Tất cả những loại nội dung này đều liên quan đến những điều chúng ta giảng dạy. Chúng ta dạy cho các em học cầu nguyện bằng cách tập cho chúng cầu nguyện, chứng kiến chúng ta cầu nguyện cũng như giúp chúng thuộc lòng những kinh của Giáo Hội. Các em học biết Thiên Chúa là Tình Yêu nhờ tình yêu chân thành của ta đối với chúng cũng như những lời Kinh Thánh nói về Tình Yêu mà chúng ta trích dẫn.
2. NỘI DUNG LÀ LỜI CHÚA:
Với cái nhìn phong phú như thế, chúng ta có thể thấy rõ hơn nội dung Giáo Lý. Giáo Hội nhấn mạnh: “Nguồn mạch Giáo Lý và nội dung Giáo Lý là một: đó là Lời Chúa, được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô”. Như vậy, điều chúng ta dạy chính là Lời Chúa, mà Lời Chúa thì phong phú hơn từ ngữ.
Để giảng dạy Lời Chúa đòi buộc chúng ta phải mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới làm Lời Chúa được vang lên. Vậy chúng ta nghe Lời Chúa ở đâu ? Và Lời Chúa nói với chúng ta ở đâu ?
3. NHỮNG DẤU CHÍ LỜI CHÚA:
Từ những năm 1950, các nhà chuyên môn đã nhấn mạnh rằng: Lời Chúa đến với chúng ta qua các dấu chỉ. Những dấu chỉ này như một thứ ngôn ngữ giúp ta nghe được Lời Chúa.
Qua nhiều năm, họ nhận được ra bốn loại dấu chỉ của Lời Chúa: dấu chỉ thiên nhiên, Kinh Thánh, Phụng Vụ và Giáo Hội. Bốn loại này tạo nên nội dung phong phú của Giáo Lý.
a. Dấu chỉ thiên nhiên:
Những dấu chỉ thiên nhiên của Lời Chúa luôn có chung quanh chúng ta vì Thiên Chúa luôn ở với chúng ta mọi nơi và mọi lúc và Chúa Ki-tô Phục Sinh làm phong phú mọi sinh hoạt của con người. Chẳng hạn như một bữa ăn gia đình, một sự kỳ diệu của thiên nhiên như: con bướm, trận động đất, một biến cố chính trị, một lời nói hay một cử chỉ thân thiện, một ổ bánh mì hay một ly rượu, một thành quả khoa học kỹ thuật như máy vi tính, một bức tranh tuyệt đẹp, một bài hát hay... tất cả các điều trên đều có thể là những dấu chỉ Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Tất cả cuộc sống là bí tích, mỗi bụi gai có thể là “bụi gai đang bừng cháy”. Đó là lý do mà sách Giáo Lý ngày nay nói đến tất cả kinh nghiệm sống của con người.
b. Dấu chỉ Kinh Thánh:
Kinh Thánh là một dấu chỉ rất đặc biệt của Lời Chúa. Qua Kinh Thánh, điều mà Thiên Chúa ngỏ lời với dân Ngài trong quá khứ cũng chính là điều Thiên Chúa nói với chúng ta hôm nay. Nhờ Kinh Thánh chúng ta biết được những hình thức tuyệt diệu Thiên Chúa nói với nhân loại. Và qua bao thế kỷ, chúng ta có thể học biết được những đề tài chủ yếu của Lời Chúa. Kinh Thánh mạc khải ý muốn trường cửu của Thiên Chúa cho con người. Vậy, Giáo Lý Viên cần phải hấp thụ nội dung Kinh Thánh dồi dào.
c. Dấu chỉ Phụng Vụ:
Nhờ việc cầu nguyện cá nhân và phụng tự cộng đoàn, chúng ta đi sâu vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa được công bố và diễn giải. Chúng ta nói, hát, hành động, đáp lại Lời Chúa. Các bí tích cử hành Lời Chúa cách sống động trong cộng đoàn Phụng Vụ và trong toàn bộ đời sống. Vì vậy nội dung Giáo Lý bao gồm Phụng Vụ, các Bí Tích, các Kinh Nguyện truyền thống, mùa Phụng Vụ, các Đại Lễ và các Á Bí Tích.
d. Dấu chỉ Giáo Hội:
Danh từ “Giáo Hội” gốc từ tiếng Hy Lạp và La-tinh có nghĩa là một cuộc tập họp. Ngoài Kinh Thánh và Phụng Vụ, Thiên Chúa cũng còn ngỏ lời qua những khía cạnh khác của đời sống Giáo Hội.
Những dấu chỉ của Giáo Hội quan trọng nhất là:
- Kinh Tin Kính và đạo lý
- Những nhân chứng và mẫu gương Ki-tô hữu trung thành
Thiên Chúa ngỏ lời qua giáo huấn chính thức của Giáo Hội như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, giáo huấn của các Công Đồng. Ngài cũng ngỏ lời qua đời sống của các tín hữu cũng như các Thánh.
Vì thế nội dung Giáo Lý cũng bao gồm những Giáo Huấn của Giáo Hội và đời sống gương mẫu của các Thánh và các chứng nhân Ki-tô hữu.
Trách nhiệm của Giáo Lý Viên, là dạy dỗ 4 dấu chỉ trên: Thiên nhiên, Kinh Thánh, Phụng Vụ, Giáo Hội. Tuy nhiên không phải dạy cùng một lúc và chỉ bằng lời nói.
Tới đây chúng ta đã đụng chạm đến trọng tâm của vấn đề. Nhưng nói cho cùng tất cả cũng chỉ xoay quanh vấn đề Tình Yêu thôi bạn ạ !