Giáo trình: ĐỂ DẠY GIÁO LÝ HỮU HIỆU HƠN
BÀI 1: THẾ NÀO MỚI THỰC SỰ LÀ DẠY GIÁO LÝ ?
“Tôi đã dạy kinh sách cho các em từ nhiều năm và nghĩ rằng mình nắm vững công việc của mình. Thế nhưng vừa qua, khi mới về nhận chức, cha xứ đã gặp chúng tôi và bảo không nên dừng lại ở vai trò những ông bà quản lý dạy kinh bổn, mà phải là những Giáo Lý Viên. Ngài nhấn mạnh rằng việc chúng tôi đang làm không phải là “giáo dục tôn giáo” nhưng là “dạy Giáo Lý”. Vậy thế nào mới là dạy Giáo Lý ?
Nhiều người vẫn lẫn lộn giữa việc “giáo dục tôn giáo’ và “dạy Giáo Lý”. Về mặt lý thuyết, chúng tôi không dám qua mặt cha xứ mới của bạn trong việc xác định vai trò và công việc của bạn đang làm. Tuy nhiên Ngài đã cố gắng nêu bật một điểm rất cốt yếu và quan trọng.
Mấy tiếng “giáo dục tôn giáo” gợi lên một “khung cảnh nhà trường” nhằm dạy dỗ người ta ngày càng hiểu biết Đức Tin của người Công Giáo. Khung cảnh này làm ta nghĩ ngay đến hệ thống trường lớp, phòng ốc, sách giáo khoa, các thầy cô giáo, phương tiện nghe nhìn, bài thi, bài làm. Đó là cách thức giáo dục đức tin thông thường xưa nay cho trẻ em, thanh niên và người lớn.
Còn “dạy Giáo Lý” muốn nói đến một “khung cảnh nhà thờ” nhằm giúp cho giáo dân sống trưởng thành Đức Tin. Từ sau Công Đồng Va-ti-can II, công việc này được nhấn mạnh trong các khóa huấn luyện Giáo Lý các cấp cũng như trong các lớp Giáo Lý của các Giáo Xứ.
1. DẠY GIÁO LÝ NHƯ MỘT TÁC VỤ:
Sau Công Đồng Va-ti-can II, sách “Chỉ nam Giáo Lý tổng quát” mô tả việc dạy Giáo Lý như là một hoạt động của Giáo Hội nhằm “dẫn đưa cộng đoàn tín hữu và từng cá nhân đạt tới đời sống trưởng thành đức tin” ( số 21 ). Như vậy, dạy Giáo Lý là một hoạt động mục vụ hơn là giáo dục, một tác vụ nghề nghiệp hay công việc. Bối cảnh của việc dạy Giáo Lý là Giáo Xứ hoặc cộng đoàn Đức Tin, chứ không phải là trường lớp hoặc chương trình tôn giáo hàng tuần.
Điều đó có nghĩa là gì ? Nghĩa là Giáo Lý Viên chúng ta tiếp tục sứ vụ của Chúa Giê-su. Mối quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su là làm cho Nước Chúa được trị đến – nghĩa là Ngài muốn đem sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa biến đổi trái tim và cuộc sống của con người. Để Nước Chúa được trị đến, Chúa Giê-su đã cầu nguyện, dạy dỗ, chữa bệnh, quy tụ quanh Ngài một nhóm môn đệ. Sứ vụ của Ngài được xem như sứ vụ của tư tế, ngôn sứ, và vươn đế phục vụ.
Ngày nay, Giáo Hội vẫn tin tưởng Chúa Ki-tô Phục Sinh đang tiếp tục công việc của Ngài nơi các môn đệ qua ba tác vụ chính của Giáo Hội: Phụng vụ, Lời Chúa, và Phục vụ.
Dạy Giáo Lý thuộc về tác vụ thứ hai: tác vụ Lời Chúa, cùng với việc “Phúc âm hóa” ( dẫn đưa người không tin về với niềm tin ), “giảng dạy” ( giảng Lời Chúa khi cử hành Phụng Vụ ), “Thần học” ( trình bày và suy tư Lời Chúa một cách hệ thống và khoa học ).
Vì thuộc về tác vụ Lời Chúa, việc dạy Giáo Lý công bố và giảng giải Lời Chúa để tín hữu tăng trưởng đời sống Đức Tin của mình. Khi cảm nhận và hiểu được điều đó, bạn sẽ thấy việc dạy Giáo Lý vừa phong phú hơn vừa mang nhiều thách đố hơn việc “dạy kinh bổn”.
2. DẠY GIÁO LÝ THUỘC VỀ TÁC VỤ LỜI CHÚA:
Với tác vụ Lời Chúa trong cộng đoàn Giáo Hội, việc dạy Giáo Lý được liên kết mật thiết với tác vụ Phụng Vụ và Phục Vụ ( trong đó bao gồm tác vụ xây dựng cộng đoàn ).
Như vậy Giáo Lý Viên có bốn nhiệm vụ căn bản:
- Loan báo sứ điệp của Chúa Ki-tô
- Tham gia phát triển cộng đoàn
- Hướng dẫn người ta thờ phượng và cầu nguyện
- Thức đẩy tinh thần phục vụ nhau
Bốn nhiệm vụ này không thể thiếu trong đời sống cộng đoàn tín hữu trong Giáo Xứ. Chúng bao gồm việc liên kết việc dạy Giáo Lý với việc phục vụ, với việc xây dựng cộng đoàn, và với việc phục vụ hoặc hoạt động xã hội của Giáo Xứ.
Là những Giáo Lý Viên, chúng ta cần ghi nhớ bốn nhiệm vụ sau đây:
3. BỐN NHIỆM VỤ CỦA GIÁO LÝ VIÊN:
Loan báo: là công việc hiển nhiên nhất trong bốn nhiệm vụ. Chúng ta có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, đã nhập thể trong Đức Giê-su Ki-tô, và giảng dạy những niềm tin căn bản cũng như truyền thống của Giáo Hội.
Phát triển cộng đoàn: công việc này ngày nay trở nên quan trọng hơn trong Giáo Xứ. Nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải liên kết những người chúng ta dạy dỗ vào một cộng đoàn biết quan tâm và tin tưởng nhau đồng thời hướng tới những cộng đoàn Giáo Hội và thế giới rộng lớn hơn.
Phụng vụ: Nhiệm vụ thứ ba này thúc đẩy chúng ta giúp các em biết cầu nguyện trong giờ Giáo Lý, và có đời sống cầu nguyện nhất là khi tham dự Phụng Vụ.
Phục vụ: công việc này là thách đố lớn nhất, đòi hỏi chúng ta khích lệ và hướng dẫn các em biết gặp gỡ, cảm thông với những người đang đau khổ và tích cực hơn trong việc xây dựng hòa bình và công bằng xã hội.
Chúng tôi hy vọng đã làm sáng tỏ phần nào ý nghĩa “việc dạy Giáo Lý” và hy vọng các bạn sẽ đào sâu ý nghĩa khi thấy rõ mục tiêu Giáo Lý và cảm thấy vinh dự vì được chia sẻ tác vụ của Chúa Ki-tô với tính cách Giáo Lý Viên.
Nhóm Huấn Giáo ABC