Đâu Là Bí Mật Của Hạnh Phúc?
"Hạnh phúc trong cuộc sống phụ thuộc vào những suy nghĩ và tầm nhìn của bạn."
Marcus Aurelius Antonius
Vào dịp sinh nhật 7 tuổi, Ana được tặng một con chó nhỏ. Sau một tuần chơi với con chó nhỏ đó, Ana nói: "Mẹ ơi! Con không ngờ là để nuôi một con vật cưng lại phải làm nhiều việc như vậy!". Tương tự như thế, khi chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề lớn nhỏ khác nhau trong cuộc sống, chúng ta buộc phải suy nghĩ tìm ra phương cách giải quyết.
Trước hết, con chó nhỏ chỉ đi đến chỗ nào nó muốn đi, kể cả đi ra khỏi nhà. Nhiệm vụ của bạn là phải đi theo nó, đến bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Bạn muốn huýt sáo gọi nó lại nhưng nó không chịu lại, cứ chạy loanh quanh khắp nơi. Bạn phải làm sao? Đánh đập nó không phải là cách làm hiệu quả. Cách tốt nhất là đi theo nó, vuốt ve, khuyến khích nó, vui vẻ huýt sáo gọi nó lại. Cứ như thế, dần dần bạn sẽ huấn luyện được con chó nhỏ theo ý bạn muốn. Sau này, nó có thể tự động thực hiện chính xác những thói quen đó.
Ví dụ đơn giản trên cũng là một cách minh họa cho "lý thuyết" về cách sống hạnh phúc mỗi ngày. Này nhé! Những suy nghĩ của chúng ta cũng giống như con chó nhỏ chưa được huấn luyện - cứ lan man không rõ ràng - dễ dàng khiến bạn rơi vào những suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Bạn có thể nhận ra rằng, ý nghĩ luôn có khả năng "di chuyển" rất nhanh chóng và không tuân thủ bất kỳ sự áp đặt nào. Vấn đề là bạn phải tạo ra một "định hướng tư duy" để khiến cho suy nghĩ của bạn tự động hướng về những điều lạc quan, tích cực hơn. Và do vậy, "phần thưởng" mà bạn sẽ nhận được chính là những cảm nhận hạnh phúc hơn về cuộc sống.
Thực tế vẫn luôn tồn tại những nếp nghĩ sai lạc, tiêu cực trộn lẫn trong tư duy của chúng ta từ trước đến nay. Hoặc vì một hoàn cảnh nào đó, chúng ta không thoát ra được mà cứ phải mãi suy nghĩ về những điều bi quan, tiêu cực, u ám trong suốt một thời gian dài. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải "huấn luyện lại", làm chủ được những suy nghĩ của mình. Những nghiên cứu gần đây về chức năng của hai thùy não trước nằm trên vỏ đại não cho thấy: khi thùy não bên trái được hoạt hóa, chúng ta có những ý nghĩ vui tươi, tích cực. Trái lại, khi thùy não bên phải được hoạt hóa, chúng ta lại có những ý nghĩ lo âu, bi quan. Điều đó cho thấy, mỗi người chúng ta có khuynh hướng nghiêng về hoạt hóa một trong hai thùy não, hoặc là bên trái hoặc là bên phải. Cho nên, vấn đề cần quan tâm không phải là kích thích hoạt động của một trong hai thùy não, mà là tạo ra sự cân bằng trong hoạt động của hai thùy não. Lúc chúng ta mới sinh ra hay trong thời thơ ấu, sự cân bằng hoạt động này thể hiện rất rõ. Thế nhưng, càng trưởng thành, càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ có khuynh hướng làm cho thùy não phải hoạt động với tần suất cao hơn, nghĩa là chúng ta dễ dàng rơi vào những ý nghĩ bi quan, tiêu cực. Tuy nhiên, khi bạn có ý thức quyết tâm thay đổi trạng thái tâm lý thì sự cân bằng hoạt động giữa hai thùy não không phải là điều khó thực hiện.
Kết quả nghiên cứu trên cũng là tin vui cho tất cả những ai từ trước đến nay để thùy não phải của mình hoạt động quá mức. Chúng ta có thể hoạt hóa thùy não trái của mình để tạo ra sự hoạt động cân bằng. Nói cách khác, bạn tự buộc bản thân mình phải thay thế thói quen suy nghĩ tiêu cực lâu nay bằng những suy nghĩ tích cực hơn. Sau đó, bạn hành động một cách tích cực hơn trên nền tảng những suy nghĩ lạc quan đó. Cứ thế, chẳng bao lâu, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng khác trước rất nhiều, và bạn luôn cảm nhận được hạnh phúc trong từng giây phút sống. Chẳng bao lâu, thói quen suy nghĩ tiêu cực sẽ được rũ bỏ, bạn sẽ tự động suy nghĩ theo hướng tích cực.
Nhiều người thường chỉ hiểu có một nửa ý nghĩa những điều tôi nói ở trên. Họ nghĩ rằng, bất cứ khi nào rơi vào thói quen suy nghĩ tiêu cực, họ phải nhanh chóng loại bỏ nó ngay. Nhưng đâu đơn giản bạn muốn loại bỏ là được, bạn cần phải định hướng suy nghĩ của mình theo lối tư duy mà bạn mong muốn. Chính việc "định hướng" này sẽ tạo thêm sức mạnh giúp bạn có thể từng bước xa rời những suy nghĩ tiêu cực.
Việc bạn rèn luyện cho mình hướng đến tư duy tích cực có thể gặp một số khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, với thời gian, những suy nghĩ tốt đẹp, kiên nhẫn, độ lượng, biết ơn cuộc sống... dần dần trở thành tự nhiên, không cần bạn phải cố gắng nhiều để điều khiển tư duy của mình nữa.
Để áp dụng thành công phương pháp rèn luyện này, bạn hãy luôn ghi nhớ những điều sau đây:
- Phương pháp hoạt hóa thùy não trái sẽ mở ra cho bạn con đường mới, lối tư duy mới.
- Một trong những cách tốt nhất để thay đổi thói quen suy nghĩ của mình là tự điều chỉnh chúng. Bạn chỉ cần lựa chọn và tập trung vào những suy nghĩ tích cực mà thôi.
- Sau mỗi sự việc xảy ra trong cuộc sống, qua mỗi khó khăn, bao giờ ta cũng học được một bài học nào đó. Dĩ nhiên, đừng bao giờ tự dằn vặt mình bằng những gì đã thuộc về quá khứ.
- Bất cứ khi nào bạn tạo ra một thói quen mới, thì thói quen này cũng chính là cuộc sống của bạn.
Cuốn sách này khuyến khích bạn chú ý vào những suy nghĩ tích cực, nhưng không có nghĩa là khuyên bạn phớt lờ hay gạt qua một bên những thách thức, những âu lo, buồn phiền trong cuộc sống. Chúng đều là những điều có thật! Nhưng nếu bạn cứ luôn phóng đại những thách thức, lo âu, phiền muộn trong từng ngày sống của mình thì không nên chút nào. Chúng ta hoàn toàn có khả năng trải nghiệm niềm vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào, biết ơn những gì chúng ta có trong cuộc sống, giải tỏa những gánh nặng không cần thiết, bớt lo âu vì những điều chỉ thuần túy do óc tưởng tượng của ta thêu dệt ra, biết sống bằng tấm lòng bao dung với người khác... Tất cả đều là những việc chúng ta có thể thực hiện được.
Ngay lúc này đây, bạn có thể chọn lựa điều gì mình cần dành sự tập trung chú ý. Và bạn hãy cảm nhận xem, nó khiến bạn hạnh phúc như thế nào! Điều khó khăn nhất trong cuộc sống của mỗi người chính là duy trì được những suy nghĩ tích cực, nuôi dưỡng tâm hồn tràn đầy sức sống để luôn cảm nhận hạnh phúc mỗi ngày.
Tác giả Mary Jane Ryan (Nguồn dunglac.org)