Đàn hát trong Phụng vụ - Những điều nên biết
Gần đây một độc giả “Hát lên Mừng Chúa” (HLMC) từ miền cao nguyên về thành phố có ghé thăm văn phòng Ban thánh nhạc. Độc giả này cho biết một vài suy nghĩ và cảm giác của mình về việc hát xướng trong các nhà thờ mà độc giả ấy đã có dịp vãng lai. Đại khái độc giả ấy lấy làm tiếc là mỗi nhà thờ hát một kiều, mỗi nơi hát một lối không có gì là thống nhất khiến người nghe không cảm nhận được rằng ca hát ở nhà thờ là công việc hệ trọng, vì liên quan đến chức năng của thánh nhạc là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Độc giả ấy ngỏ ý muốn Ban thánh nhạc có một bài minh định đường lối và lời dạy của Hội thánh về vấn đề này.
Thực ra từ hơn sáu năm qua, rải rác trên các số báo HLMC đã có những bài và tài liệu nói về vấn đề này, nhưng có mấy ai chịu xem, chịu đọc chịu nghe đâu, thành ra nói mãi cũng vô ích và nhàm chán mà thôi. Nhưng nhớ lời thánh Phaolô khuyên nhủ môn đệ Timôthê là gặp thời thuận tiện cũng như không thuận tiện, cứ kiên trì rao giảng (2 Tm 4, 2) và nhân sự gợi ý của độc giả miền cao nguyên, Ban thánh nhạc xin viết lại những điều đã nói đã viết ở nơi này nơi khác lên đây một lần nữa vậy.
Trước hết, ca hát trong nhà thờ, nhất là trong thánh lễ là điều quan trọng và cần thiết đáng mọi người lưu tâm và đem ra thực hành, vì, “Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng.” (Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ năm 1967 số 16)
Như thế đã rõ là cần hát và nên hát những khi cử hành phụng vụ. Nhưng không phải hát bất cứ cách nào, bất cứ bài nào và bất cứ lúc nào mà phải theo kỷ cương Hội thánh đã qui định, dựa vào kinh nghiệm ngàn đời qua các tài liệu, thông tư, văn kiện, huấn thị, thông điệp về thánh nhạc và nhạc trong phụng vụ. Dưới đây là tóm tắt những thể thức và qui định. Đối với các lối thực hành hiện nay trong nhiều nhà thờ từ Nam chí Bắc thì đây là những điều xem ra như hạn chế và bó buộc. Mà quả thực là như thế, vì theo qui luật hiện hành về thánh nhạc, hầu hết các ca đoàn chúng ta đều đi ra ngoài luật lệ, hát xướng tùy tiện theo ý mình, chẳng theo kỷ luât nào hết.
1. Về nội dung các bài hát, bài đàn :
1.1. Không được đàn hát các bài đời trong thánh lễ (dù là bài dân ca đặt lời đạo cũng vậy). Không được đàn hát các bài mà khi sáng tác, tác giả không có ý để dùng trong Nghi lễ Phụng vụ;
1.2. không được hát những bài có nội dung trái với giáo lý công giáo, hoặc hàm hồ đa nghĩa không giúp ích gì cho tín hữu… Chỉ được sử dụng trong phụng vụ những bài Giáo quyền đã chuẩn nhận (Thông cáo số 1/94 về Thánh nhạc của ban Thánh Nhạc thuộc HĐGMVN số 2a)
1.3 Không được hát các bài kính Đức Mẹ cũng như các thánh trong thánh lễ nhưng được hát trước hay sau lễ.
Trong lễ kính Đức Mẹ và các thánh không được hát những bài ca tụng Đức Mẹ thay thế đáp ca, ca dâng lễ hoặc ca hiệp lễ. Có thể hát những bài này lúc nhập lễ và kết lễ.
. Trong lễ hôn phối hay kỷ niệm hôn phối, không được hát những bài có nội dung thuần túy ca tụng tình yêu vợ chồng trong phần hiệp lễ (hiệp lễ phải hát về Chúa)
. Trong lễ an táng lễ giỗ…, không được hát những bài có nội dung ca tụng công đức hoặc nhớ ơn người quá cố trong phần hiệp lễ.
1.4. Thánh vịnh đáp ca là lời Chúa được tín hữu dùng để suy niệm và đáp lại Lời Chúa vừa nghe trong các bài đọc trước đó. Vậy phải dùng các thánh vịnh phù hợp với từng bài đọc, hoặc từng lễ, từng mùa, không được tùy tiện hát bất cứ bài đạo nào, cho dù đó là bài lấy cảm hứng từ cùng một thánh vịnh (x. TC 3/94-BTN-HĐGMVN về Hướng dẫn sáng tác và sử dụng các bài hát trong thánh lễ s.4b)
2. Về cách đàn hát
Huấn thị “Để thi hành Hiến chế Phụng vụ” năm 1970 số 3 qui định : “Các bản thánh ca phải phù hợp với vẻ tôn nghiêm của nơi thánh và việc phụng tự, chẳng những trong lời ca, mà cả trong âm hưởng, nhịp điệu và cách sử dụng các nhạc cụ nữa.” (x.TC. 41/87 s. II. 3b)
2.1. Ca đoàn và nhất là các ca viên lĩnh xướng phải tránh lối hát rập khuôn theo các ban nhạc và ca sĩ đời. Phải làm cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh thêm rực rỡ vui tươi và đượm nhuần bầu khí thiêng liêng” (Huấn từ về Hát thánh ca trong nhà thờ của ĐGH Phao-lô VI năm 1970). Ngay khi bày tỏ niềm vui thì phụng vụ cũng đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Niềm vui ấy không còn là niềm vui bộc phát trong đời thường, nhưng bình dị hơn, trang nghiêm hơn, thích hợp với cộng đồng hơn. Cũng vì thế mà Hội thánh cấm sử dụng các điệu nhạc Jazz trong phụng vụ. (x. TC 2/94 BTN HĐGMVN số 3b)
2.2. Các nhạc công không bao giờ được đệm đàn lấn tiếng hát. Không được dùng các “nút điệu” của đàn điện tử để đệm các bài hát ở nhà thờ. Phải lựa chọn các nút âm thanh thích hợp với tiếng hát phụng vụ như Strings, Pipe Organ, Church organ, Flute… và tránh dùng những âm thanh ầm ĩ náo động. Những âm này sẽ gây chia trí hơn là giúp cầu nguyện. (x. TC 1/94 BTN HĐGMVN) Ngoài ra cũng không nên lạm dụng đàn dương cầm, vì đàn này thích hợp cho việc trải dấu và diễn tấu nhịp điệu hơn là đệm nhẹ cho tiếng hát. Thường những người chơi đàn piano ở nhà thờ hay lợi dụng để biểu diễn tài nghệ cá nhân, nhất là khi người ấy lại xuất thân từ nhạc viện. Tuy nhiên nói như vậy không phải là có ý loại đàn piano ra khỏi nhà thờ mà chỉ uốn nói đệm đàn piano cho đúng cung cách mà thôi.
2.3. Khi sử dụng các nhạc khí như organ điện tử, guitare, dàn trống,. dàn kèn, dàn nhạc hòa tấu… không được dùng các điệu Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người hát khi cử hành phụng vụ, vì hầu hết các điệu này có tích kích động, huyên náo nên hợp với các sinh hoạt khác mà không hợp hay ít hợp cũng như không xứng với nơi thánh. (x. TC 1/94 BTN HĐGMVN số II.4) Khi sử dụng các nhạc khí nên có bản phối khí. không nên chơi theo ngẫu hứng
3. Về thành phần tham gia ca hát
Qui chế Tổng quát sách lễ Roma năm 2000 số 40b hướng dẫn :” Khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế hay độc viên hát, cộng đồng đáp, hoặc những phần mà cả vị tư tế và cộng đồng cùng hát.” (Huấn thị Âm nhạc trong Phụng vụ - ANTPV năm 1967 số 7.16)
3.1. Chính linh mục phải khởi xướng việc ca hát bằng cách hát (hoặc cùng lắm thì đọc rõ ràng, lớn tiếng, khoan thai theo các cung sẵn có, nếu chưa có được các cung giọng hát mới phù hợp) những phần đối đáp với giáo dân nhất là phần kinh Tạ ơn…
3.2 Các linh mục cử hành phải tạo mọi điều kiện cho cộng đoàn dân Chúa tham gia tích cực vào việc ca hát, từ đối đáp tung hô đến bộ lễ và tham gia cả vào phần hát ca Nhập lễ. Đáp ca, Ha-lê-lu-ia, Ca Dâng lễ, ca Hiệp lễ, ca Tạ lễ … Có thể bắt đầu bằng ca Nhập lễ, Đáp ca và Ha-le-lu-ia rồi từ từ tăng thêm.
3.3. Ca đoàn đóng vai trò cần thiết để yểm trợ tiếng hát của cộng đoàn và hát những câu riêng hoặc loại bài mà cộng đoàn không hát được, như Huấn thị nói : “Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn nhỏ bé thì phải liệu cho có ít nhất một hai ca xướng viên (cantor) được huấn luyện vừa đủ. Ca xướng viên đó phải có thể xướng lên một hai bài đơn giản cho các tín hữu tham gìa, đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu hát nữa.” (ANTPV số 21)
Ngoài những điều căn bản này ra, sự hướng dẫn và can thiệp của cha xứ trong việc đàn hát ở nhà thờ là rất quan trọng. Nhà thờ hát có kỷ cương và đúng tinh thần của Hội thánh hay không là do cha sở đôn đốc, huấn luyện và hướng dẫn. Làm công việc này thiết tưởng cũng không đến nỗi phải đầu tư nhiều công sức lắm. Chỉ thị và tài liệu về Thánh nhac của Hội thánh đã có sẵn trong các số HLMC từ đầu cho đến bây giờ. Các vị chỉ cần xem trong đó rồi mang ra áp dụng. Chính các vị phải trực tiếp chỉ bảo. Không cần phải biết hát hay, mà chỉ cần biết luật. Mà luật thì đã có sẵn, chỉ phải nhắc bảo và mang ra áp dụng. Kỷ cương, trật tự, nghệ thuật trong việc đàn hát ở nhà thờ một phần lớn là do cha sở. Cha sở không lưu tâm lại khoán trắng cho ca trưởng hay mặc cho ca đoàn muốn xoay xở thế nào tùy ý thì cũng hết ý và mọi sự trong vấn đề đàn hát ở nhà thờ muôn đời sẽ như hiện nay mà thôi.
Lm Đỗ Xuân Quế, op.