chaphu
Tổng số bài gửi : 657 Join date : 17/02/2011 Đến từ : Hòa Nghĩa- Cam Lâm-Khánh Hòa
| Tiêu đề: CHÚA NHẬT THỨ 28 THƯỜNG NIÊN – NĂM A “Mỗi người đều là thực khách được mời” Sat Oct 08, 2011 9:41 pm | |
| CHÚA NHẬT THỨ 28 THƯỜNG NIÊN – NĂM A “Mỗi người đều là thực khách được mời” Tin Mừng hôm nay đưa độc giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những chi tiết gợi trí tò mò, chứa đựng nhiều điều xem ra mâu thuẫn và lạ kỳ: Điều mâu thuẫn trước hết nơi nhân vật vị vua: Theo lẽ thường, vua của một quốc gia là người có quyền hành. Khi một vị vua tổ chức đám cưới cho hoàng tử thì chỉ có những người nào đặc biệt mới được mời. Ông vua được nhắc tới trong Tin Mừng lại quá tốt bụng. Ông ra lệnh cho các đầy tớ đi mời rất nhiều người. Những khách mời không phải hạng cao sang quyền quý, nhưng là những người bình dân. Điều mâu thuấn thứ hai: những thực khách kiếm đủ mọi lý do để khước từ lời mời của vị vua. Đây quả thật là điều lạ lùng, vì được mời dùng tiệc luôn là một vinh dự, mà đây lại là tiệc của vua, ai nỡ chối từ. Tác giả còn ghi lại cho chúng ta những chi tiết khác thường: “Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”. Điều mâu thuấn thứ ba: Sau khi những khách được mời tìm đủ cớ để chối từ, thì vị vua ấy đã làm một việc không ai ngỡ: Ông sai người ra nơi công cộng, là chỗ lúc nào cũng đông người, để hô hào mọi người vào dung tiệc. Vị vua này vừa hào phóng vừa bình dân. Ông muốn mọi người cùng chia sẻ niềm vui nhân ngày con ông lập gia thất. Và, thế rồi, nếu ông vua là người hào phóng và bình dân, thì ông cũng là người rất khắt khe. Một người dự tiệc không mặc áo cưới đã bị ông kết án gay gắt, thậm chí cho gia nhân đuổi ngay ra ngoài, đẩy vào nơi ngục tối, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng. Chắc chắn những người được nghe dụ ngôn Đức Giê-su rao giảng hôm đó cũng rất ngạc nhiên. Tuy vậy, những người Do Thái thông thạo Kinh Thánh lại có thể dễ dàng vượt qua hình ảnh của một tiệc cưới để liên tưởng tới chính cuộc đời con người. Hình ảnh này dẫn họ đến với những lời ngôn sứ loan báo thời Thiên Sai. Quả thực, vào thời Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài, Ngài sẽ hủy bỏ tang chế. Ngài sẽ thết đãi một bữa tiệc thịnh soạn mà thực khách là muôn dân, kể cả người nghèo khổ, không tiền bạc hoặc tứ cố vô thân (Bài đọc I). Những thính giả Do Thái sẽ cảm nhận qua những lời giảng của Đức Giê-su về thời Thiên Sai đã được khai mở. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đến trần gian để đích thân mời gọi con người vào dự tiệc trong vương quốc vĩnh cửu của Chúa Cha. Chúa Cha không chỉ sai những gia nhân đi mời khách, nhưng Ngài đã sai chính Con Một của Ngài đến với chúng ta. Có nhiều người rộng mở tấm long để đón nhận giáo huấn của Chúa. Nhưng cũng có người phản đối, hằn học, thậm chí họ còn kết án và giết chết Người bằng khổ hình thập giá. Qua cách trình bày gợi hình của Tin Mừng, các tín hữu Ki-tô còn nhận ra, trong cuộc sống hiện tại, họ đang được mời dự tiệc của Thiên Chúa thết đãi. Và, xem ra cách hưởng ứng lời mời của Chúa cũng giống như những thực khách trong dụ ngôn: quả vậy, có khá nhiều người được Chúa mời gọi, nhưng họ kiếm đủ mọi cớ để xin kiếu. Nhiều tín hữu hôm nay viện ra đủ mọi lý do để biện minh cho hiện tượng dửng dưng tôn giáo của họ, như phải đi làm, tuổi còn trẻ, công việc gia đình bận rộn và biết bao nhiêu lý do khác. Cuộc sống này vẫn đầy những mâu thuẫn: người ta thường dễ dàng chấp nhận những lối sống hoang đàng, nhưng lại rất khó chấp nhận những kỷ luật đem lại cho họ hạnh phúc. Người ta rất dễ sa ngã trước những cám dỗ ngọt ngào dẫn họ tới sự hư vong, nhưng lại rất khó đón nhận những gợi mở dẫn đưa tới cuộc sống tốt lành và hạnh phúc chân thật. Lời mời gọi sống thánh thiện không phải lúc nào cũng dễ đón nhận. Lời khuyên sống trung thực không phải dễ dàng được tiếp thu. Người ta đã quen với nếp sống tìm cho mình sự thoải mái dễ dàng trong những quan niệm quá khích về hưởng thụ và tự do. Và thế là lời mời của Chúa vẫn là những tiếng kêu trong sa mạc, ít khi được người ta đáp lại. Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta tái khám phá vinh dự của người tín hữu: đó là vinh dự làm người công giáo, là người được Chúa kêu mời vào dự tiệc cưới của Con Chiên, ngay khi chúng ta còn đang sống trong cuộc đời dương thế. Xin cho chúng ta nhận ra lời mời gọi của Chúa để chúng ta đáp trả bằng một trái tim đơn sơ chân thành. Amen +Gm Giuse Vũ Văn Thiên | |
|