Dạy giáo lý cho các em là dạy về kế hoạch Cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với con người. Và trung tâm của kế hoạch đầy yêu thương ấy là chính Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho Dân thánh Ngài, và cho chính các em, là nét chính của từng bài giảng giáo lý. Nhưng có một điều giáo lý viên cũng cần nhớ nhắc nhở các em, đó là sự cao sang của Thiên Chúa và tính cách linh thánh của các mầu nhiệm.
Khi Môisen đến gần bụi gai đang bốc cháy, nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông, ông nghe có tiếng Chúa phán: “Chớ lại gần đây, hãy cởi dép ở chân ra vì nơi ngươi đang đứng là đất Thánh”. Thiên Chúa yêu thương mời gọi ông làm người giải phóng dân Chúa, ông được diện kiến Ngài và lĩnh nhận Thánh Ý Ngài, nhưng không phải vì thế mà ông có thể quên tính cách siêu việt của Thiên Chúa.
Thời Chúa Giêsu đi giảng dạy, dân chúng và các môn đệ đến gần Chúa, chia sẻ vui buồn và mọi chi tiết trong cuộc sống với Người, nhưng con người vẫn không được quên Thiên tính cao trọng của Người.
Chúa Giêsu đến để cứu độ con người, trả lại cho con người phẩm giá và nhân vị, nâng con người lên hàng siêu việt, làm con cái Thiên Chúa. Nhưng không phải vì thế mà con người dám xem mình ngang hàng với Thiên Chúa, hay coi thường tính siêu việt của Ngài.
Các giáo xứ đang khai giảng năm học giáo lý mới. Chắc không phải là thừa khi nhắc lại về khía cạnh linh thánh mà giáo lý viên cần chú ý trong việc giảng dạy của mình. Những điều chúng tôi đã chứng kiến đó đây, xin được ghi lại đây với vài chia sẻ đầu năm học.
Trước hết, giáo lý viên cần cho các em thấy giờ cầu nguyện lúc bắt đầu, trong buổi học và lúc kết thúc là những giây phút linh thánh. Ai trong chúng ta cũng đã chứng kiến những giờ cầu nguyện trong giờ giáo lý một cách qua loa, có tính hình thức hay vội vàng. Giáo lý viên vội vã vào lớp, có khi vừa đúng giờ có khi hơi trễ, bảo các em đứng lên và đọc kinh thật nhanh. Có khi các em đang đọc kinh thì giáo lý viên nhắc em này, khều em kia hay nhíu mày với em nọ vì các em tinh nghịch.
Phải làm sao cho các em hiểu rằng giây phút cầu nguyện có thể xem là quan trọng nhất trong giờ giáo lý. Phải làm sao cho các em hiểu rằng cầu nguyện chính là đến trước Thiên Chúa là Chúa của trời đất để thưa chuyện với Ngài. Phải làm sao cho các em thấy rẳng được hầu chuyện với Thiên Chúa là ân huệ cao quí.
Thứ hai, lời giảng dạy về các mầu nhiệm phải làm nổi bật tính linh thánh của những gì thuộc về Thiên Chúa. Những gợi ý cho bài giảng, chuyện kể, bài hát hay trò chơi là nhằm giúp các em hiểu bài học, chứ không phải để giảm nhẹ tính cao siêu của các mầu nhiệm. Do đó những chuyện kể không đứng đắn, những lời bông đùa lố lăng cần phải chú ý tránh hẳn.
Dạy cho các em về một Thiên Chúa gần gũi với dân Ngài cũng đồng thời cho các em nhìn thấy sự cao sang, huy hoàng và uy quyền của Thiên Chúa. Ngài gần gũi với dân Ngài vì tình yêu Ngài bao la vô cùng, chứ không phải vì sự siêu việt của Ngài suy giảm. Chính ý thức về sự linh thánh sẽ giúp các em vừa yêu mến Thiên Chúa, vừa kính sợ Ngài, đồng thời làm cho các em “yêu mến những sự trên Trời”.
Và cũng quan trọng khi cho các em thấy tính linh thánh trong các nghi thức và lời tuyên xưng. Lời tuyên xưng đức tin hay các tuyên hứa phải được xem là việc của cá nhân, của từng tâm hồn, ngay cả khi tuyên xưng chung trong nhóm hay trong cộng đoàn. Nếu vì lý do thuận tiện hay cho đơn giản mà bỏ qua yếu tố này thì vô tình đánh mất một phần ý nghĩa.
Chúng tôi thích cho các em trong nghi thức tuyên xưng đức tin sau lớp Bao đồng tự cầm giấy và đọc lời tuyên xưng, trong đó có danh tánh của chính em. Em có thể giữ lại lời tuyên xưng này làm kỷ niệm và làm bằng chứng cho lời em tuyên xưng.
Bây giờ kỹ thuật phát triển, máy chiếu và các loại máy móc phát triển, nếu biết dùng cho phù hợp thì sẽ tăng thêm phần long trọng hay thuận tiện cho các giờ phụng vụ. Nhưng nếu lạm dụng, máy móc sẽ làm cộng đoàn chia trí hay làm mất tính linh thánh của các nghi thức trong nhà thờ.
Chúng tôi xin lấy ví dụ cụ thể. Có một số nhà thờ khi linh mục giảng lễ, máy chiếu vẫn hoạt động với nhiều hình ảnh hay lời minh hoạ. Có lẽ người phụ trách máy chiếu chưa hiểu hết ý nghĩa của bài giảng, (homily), chưa biết tính cách cao trọng của giáo huấn của linh mục chủ tế trong Thánh Lễ. Hình ảnh chiếu lên chớp nháy liên tục như thế không biết có minh hoạ được gì không, hay lại làm mất đi tính linh thánh của việc giảng dạy Lời Chúa, làm cộng đoàn chia trí.
Các nghi thức tuyên xưng cũng vậy. Không phải cứ chiếu hết mọi thứ lên cho tiện lợi, bắt các em ngước lên đọc lời tuyên xưng, mà không nhắc cho các em tính cá nhân và ý nghĩa thực sự của việc các em tuyên đọc.
Sử dụng các dụng cụ, máy móc, bài hát, chuyện kể như thế nào không phải là điều đơn giản. Rất mong ước các giáo lý viên không sử dụng như là ngẫu hứng, lấp chỗ trống hay để “hiện đại hoá” các nghi thức, mà phải thật sự giúp các em đi vào chiều kích linh thánh của mầu nhiệm và giúp các em đến gần Thiên Chúa hơn.
Xin Mẹ là thầy dạy của chúng con giúp cho giáo lý viên chúng con biết cung kính và vâng phục trước các mầu nhiệm như Mẹ đã cung kính, vâng phục và suy niệm mọi ngày suốt đời Mẹ.