TUỔI THƠ BỊ “ĐÁNH CẮP”
Chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng bài hát: “Em có ba là em có má. Má yêu em như nước trong nguồn. Từ ngày sinh ra, mẹ nâng như trứng. Mẹ hứng như hoa, mẹ ôm vào lòng.” Lời bài hát đơn sơ, mộc mạc, gần gũi đã ăn sâu vào tâm hồn trẻ thơ. Biết mình có ba, có mẹ, được ba mẹ yêu thương đó là cả một trời hạnh phúc . Không có tuổi nào đẹp bằng tuổi thơ, cái tuổi được yêu thương, nâng niu, chăm sóc. Cái tuổi hồn nhiên, trong sáng mà chính Chúa Giêsu đã nói: “ Nếu anh em không nên giống trẻ thơ, anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Thế nhưng trong tình hình đất nước thời hội nhập với biết bao tiến bộ vượt bậc, những trào lưu mới xuất hiện, dường như tuổi thơ của các em bị “đánh cắp” về nhiều mặt.
1. ÁM ẢNH CHUYỆN HỌC HÀNH
Trong công ước về quyền trẻ em điều 8 nói rõ: “Trẻ em cần nhận được sự giáo dục cần thiết, được giúp đỡ để phát triển về thể chất, trí tuệ và xã hội, trở thành người công dân có trách nhiệm và biết tôn trọng những quyền của người khác.” Và câu nói trong ngành giáo dục chúng ta thường nghe: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư thông minh nhất.” Có lẽ vì điều này mà ngành giáo dục nước ta không ngừng thay đổi hình thức: lúc thì dạy chương trình cải cách, khi thì hô hào dạy chương trình đổi mới, tích hợp, rồi thay sách liên tục khiến cho Giáo viên lẫn học sinh rối tung cả lên.
Chương trình học thì ngày càng nặng nề, căng thẳng. Nhìn số tập sách các em mang theo học một ngày thì sẽ rõ. Thị trường cung cấp dụng cụ học tập cho các em cũng đang tung ra những chiếc cặp, không phải để đeo, để xách, mà để kéo vì tập, sách học “quá nặng”. Lại nói về chương trình học, có trường ngày thường chưa đủ tranh thủ học cả ngày chúa nhật, ngày lễ hội nào có trong lịch nghỉ thì phải học bù vào những ngày chúa nhật kế tiếp. Ngày xưa, bọn học trò chúng tôi chỉ học có một buổi, còn một buổi thì ở nhà học bài, giải trí, đọc thêm sách, thì ngày nay các em phải học cả sáng lẫn chiều. Nếu là lớp tốt nghiệp THCS hay THPT thì phải học phụ đạo và tăng cường “tụng” thêm vào buổi tối. Tôi có thằng em trai mới vừa tốt nghiệp THPT, mỗi tối từ lớp học phụ đạo trở về mặt mày nó bơ phờ, mệt mỏi thấy mà xót xa. Hơn nữa, về phía phụ huynh, với tâm lý ngày xưa mình không có điều kiện học tập, bây giờ kinh tế khá giả nên họ đầu tư tối đa cho con cái mình: nào là học chính qui, học ngoại khóa, học tại gia. Có phụ huynh vừa đón con ở trường liền hối hả đưa con đến lớp học thêm. Nào là học đàn, học vẽ, học múa, học ngoại ngữ…Mới hôm rồi tôi có xem một tiểu phẩm trên Tivi cũng đáng cho các bậc phụ huynh suy nghĩ: trong kỳ nghỉ hè, Đoàn Thanh niên gọi điện đến xin phụ huynh cho hai con ông tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh. Ông bố không cho đi với lý do hai đứa bận phải học thêm. Hai đứa con ông ngày một ốm yếu xanh xao vì suốt ngày này qua ngày khác chúng chỉ ăn xôi và bánh mì. Cứ nghĩ rằng mình đầu tư tất cả cho con là thể hiện tình yêu thương của cha mẹ, nhưng vô tình lại đặt lên vai con mình một gánh nặng. Kỳ vọng vào con quá sức sẽ là một áp lực rất lớn về mặt tâm lý của trẻ.
Một điều đáng nói nữa là ngày xưa bọn học trò của tôi được hưởng trọn vẹn ba tháng hè, mặc sức tung hoành với các chuyến du lịch lên rừng xuống biển, hay được cha mẹ cho về quê nội, quê ngoại, tha hồ mà ra đồng mò cua, bắt ốc hoặc vắt vẻo trên lưng trâu mà ngâm nga: “Trâu ơi ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta….” mà chẳng phải ám ảnh chuyện học hành. Mùa hè đối với tôi thật tuyệt vời làm sao. Còn bây giờ, ngày nghỉ hè của các em rút ngắn chỉ còn hai tháng. Trong hai tháng đó, các em được phụ huynh tranh thủ đưa đến các lớp học thêm để chuẩn bị cho năm học tới hay một số em có hoàn cảnh khó khăn phải lao vào cuộc mưu sinh kiếm tiền phụ giúp gia đình và tự lo cho mình những thứ cần thiết cho năm học mới. Do đó, việc nghỉ hè với các em bây giờ quả là một ước mơ “xa xỉ”.
2. ĐÂU RỒI NHỮNG TRÒ CHƠI TUỔI THƠ?
Trong thời đại Game online tràn ngập thị trường, làm sao chúng ta có thể thấy lại những trò chơi dân gian quen thuộc như đánh khăn, đánh đáo, cướp cờ, rồng rắn lên mây, chơi ăn ô quan…nữa. Dạo quanh thị trường, chúng ta sẽ thấy các dịch vụ Internet mọc lên như nấm, chen chúc nhau mà quán nào cũng đông nghịt các cô cậu học trò. Hiện tượng nghiện game online đã được báo động rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc nghiện game đã gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe, nhân cách, văn hóa của đại bộ phận giới trẻ hôm nay. Trước tình hình ngành khoa học công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, việc tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc với các trò chơi dân gian là việc không thể chần chừ, vì chẳng những nó phù hợp với tâm hồn tuổi thơ trong sáng của các em, mà còn góp phần gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.
Nếu thời thơ ấu của tôi và của các thế hệ thuộc những năm 1970 trở về trước thì tuổi thơ được gắn với các trò chơi, và trò chơi chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày. Nếu giờ ra chơi, bọn con gái xúm nhau chơi chuyền chuyền, búng thun, tùm nụm tùm nịu…thì bọn con trai lại chơi ném lon, trốn tìm, đá cầu…Những ngày hè, khi cánh đồng chỉ còn trơ lại những góc rạ hoặc khi người nông dân đã đốt đồng rồi, chúng tôi lại tung tăng thả mình trên ruộng ngắm những cánh diều bay cao mang theo biết bao ước mơ hồn nhiên của tuổi thơ, thì ngày nay, hình ảnh lãng mạn ấy lại trở thành gánh lo âu cho các bậc phụ huynh, nhất là ở những khu chung cư với không gian chật hẹp vì có những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Hơn nữa, việc học quá tải khiến các em không có thời gian vui chơi. Điều này lý giải vì sao trẻ em ở các đô thị ngày càng ít chơi, thậm chí không biết đến các trò chơi dân gian. Giờ ra chơi các em gái thường tụ nhau đọc truyện tranh Nhật Bản hay chơi cờ carô, quan tòa xử án hay đọc báo, tán gẫu. Và đặc biệt là hầu hết các em đều biết chơi Haifline, Empire, nhảy Audison ( những chương trình của trò chơi điện tử). Trong các lớp mẫu giáo hiện nay, nếu giáo viên đưa ra một số đồ chơi lắp ráp, thì 100% các em sẽ ráp súng, kiếm để đánh nhau, những hình ảnh đó các em đã thu nhận được từ các phim Siêu nhân, Cuộc chiến đảo quỷ, Khuyển dạ xoa…Đây là những bộ phim hoạt hình rất thu hút các em hiện nay. Điều này trả lời cho câu hỏi: tại sao ngày nay các em thích dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề mà các em gặp phải.
3. TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Rõ ràng ngày hôm nay, tuổi thơ của các em bị đánh cắp về nhiều mặt: về mặt sức khỏe, về quyền được bảo vệ, nhất là gần đây báo chí liên tục đưa tin về nạn buôn bán trẻ em, bóc lột sức lao động, trẻ em bị đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có những bà mẹ còn cắt gân asin của con mình và dùng con mình làm phương tiện để kiếm tiền.
Nhìn trên gương mặt của các em, chúng ta không còn thấy những ánh mắt trong veo, những nụ cười hồn nhiên, trong sáng, vô tư nữa, mà là những ánh mắt đờ đẫn, mỏi mệt, thất vọng, vô hồn. Các em như những trái cây bị “vú ép”, mất đi cái tự nhiên, chân chất mà đúng lý ra cái tuổi của các em đáng được sở hữu.
Cần bớt thời gian học để các em có thời gian nghiên cứu, tìm tòi, va chạm thực tế hơn là cứ học dồn dập mà mức độ tiếp thu của các em chẳng được bao nhiêu. Cần tổ chức những buổi vui chơi hoặc giãn các giờ ra chơi để các em có đủ thời gian để chơi, vì phần đông các em than rằng không có đủ thời gian để chơi. Nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức những buổi văn nghệ, sinh hoạt, lễ hội để các em có cơ hội vui chơi, giải trí vì trò chơi dân gian có vị trí rất quan trọng trong đời sống vui chơi của tuổi thơ, và nhờ trò chơi mà các em được phát triển toàn diện về đức-trí-lao-thể-mỹ và để các trò chơi của tuổi thơ không bị mai một trước xã hội văn minh và tiến bộ vượt bậc hôm nay.
Tuổi thơ là tuổi đẹp nhất của đời người. Xin hãy để cho các em được sống trọn vẹn với tuổi thơ của mình. Hãy cho các em được sống đầy đủ trong tình yêu thương của cha mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội, để ánh mắt của tuổi thơ mãi hồn nhiên, tâm hồn tuổi thơ mãi trong sáng.
Phần của tôi và của mọi người hãy là những nhà giáo dục, có tinh thần trách nhiệm, có bổn phận phải chăm sóc những mầm non ấy về thể lý, tâm lý, nhân cách, lối sống…hầu chúng được lớn lên một cách sung mãn, tròn đầy và trở thành những công dân có ích cho xã hội và Giáo hội mai sau.
Sr.Ter.Trúc Băng