Không Biết Nói Lời "Cám Ơn"
Lm. Sơn Đoài
Ông bà ta đã nói: "Tiếng chào cao hơn mâm cỗ". Tiếng chào đã như thế, tiếng "chào còn cao qúy biết bao! Khi biết nói"cám ơn", người ta đã biết đáp lại: "Không có chi, "Không dám", hoặc khiêm tốn hơn: "Xin trả lại ông bà"(Bắc Bộ).
Con người thật khó hiểu!, ai cũng biết "Cám ơn " là cần thiết trong mối tương giao giữa người với người; kèm theo lời "Xin lỗi", luôn đem lại bầu khí hòa bình, thân thiện cho gia dình, xã hội và cả thế giới, đang có chiến tranh , bạo lực. nhưng tại sao không trở thành tập quán, hoặc "phản xạ" tự nhiên của con người nói chung và nói riêng người Việt Nam ta ? Tôi nhớ chuyện vui cười do người bạn kể lại: một lần, học sinh Việt Nam đi thi quốc tế. Trong phần ứng xử, giám khảo hỏi:
- Em thương ai nhất?
- Thưa , em thương Bác Hồ nhất!
Giám khảo hỏi tiếp:
- Còn cha mẹ?
Thí sinh ú ớ trả lời:
- Thưa, em không biết!
Giám khảo hỏi lại:
- Vì sao em không biết?
- Thưa, nhà trường không dạy!
Còn rất nhiều chuyện chê bai, mỉa mai, biếm họa, tiểu phẩm, những người không biết nói lời "Cám ơn". Tưởng như đùa, nhưng lại là sự thật đáng cười:
Cậu thiếu niên đang ngồi trên xe buýt, chợt có một ông già lên xe. Ông nhìn quanh tìm ghế trống. Thấy vậy, cậu đứng dậy nhường chỗ cho ông. Sau một lúc, im lặng, ngỡ ngàng, cậu hỏi ông già:
- Ông ơi, ông vừa nói gì thế?
Ông già ngồi, đáp:
- Tôi có nói gì đâu!
Cậu thiếu niên nói như nhắc nhở:
- Vậy mà cháu tưởng ông vừa nói: "Cám ơn".
Khi dạy giáo lý các em rước lễ lần đầu, có lần tôi hỏi các em:
- Buổi sáng con đi học, cha mẹ cho tiền, con nói gì với cha mẹ?.
Các em nhao nhao, giơ tay, tưởng cha hỏi có"hỗn" với ba mẹ :
- Thưa, con không nói gì hết.
- Con có nói cám ơn ba mẹ không?
Các em vô tư trả lời:
- Thưa không ạ!
Vậy ngày mai đi học, ba mẹ cho tiền, con phải thưa con cám ơn ba mẹ nghe chưa.
Tất cả đồng loạt giơ tay:
- dạ, dạ !
Hôm sau, tôi hỏi ngay
- Hôm nay, ba mẹ cho tiền đi học, con có cám ơn ba mẹ không?
Cả lớp giơ tay:
-Thưa, con có cám ơn ba mẹ.
Tôi hỏi tiếp:
- Ba mẹ có nói gì nữa không?
- Thưa ba mẹ khen con giỏi.
- Rồi còn gì nữa không?
- Thưa mẹ cho thêm hai ngàn.
Tôi kết luận: chúng con thấy chưa, khi con giỏi, con ngoan, con lễ phép, biết chào hỏi, xin lỗi, thì ai cũng thương. Như vậy mới được Chúa thương, Chúa đặt tay lên đầu, Chúa chúc phúc như các em nhỏ trong Phúc Âm đó.
Trong Kinh Thánh, mỗi lần nghe lại bài Phúc Âm Thánh Luca về phép lạ chúa Giêsu chữa cho mười người phong cùi được khỏi bệnh, nghe Chúa than trách:
- Không phải cả mười người đều được lành sạch sao ? Thế chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? (Lc 17, 11-19).
Nghe chuyện trên, thật tủi buồn, không những cho chin người được khỏi bệnh, chỉ là ám chỉ thái độ bạc bẽo, vô ơn của phần đông con người. Việt Nam có câu mỉa mai: "Ăn cháo đái bát", "Vắt chanh bỏ vỏ", "Được xôi, rồi việc"...Nếu xét việc tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, bản thân mình nhiều lần bị Chúa khiển trách.
Trong cuộc sống, mình đã từng ngậm đắng nuốt cay khi phải đối đầu với những kẻ vô ơn bạc nghĩa, chẳng biết cư xử với nhau theo tình nghĩa. Thấy cái lợi trước mắt là vội vã vơ vét về, sau đó chấm hết, chẳng hay trời trăng mây nước chi nữa. nhiều khì xâm trên mình, trên tay nhiều thanh niên trẻ đã cay đắng: "Thù người phản bạn", "Hận kẻ bạc tình"./
Càng đau đớn hơn, chính con ruột, từ nhỏ đã có thể viết cho mẹ như sau:
Mỗi ngày con quét nhà cho mẹ, mẹ thiếu con năm ngàn, con đi chợ mua hàng cho mẹ mẹ thiếu con năm ngàn.
Ký tên:
Người con luôn vâng lời mẹ.
Đọc xong mẩu giấy ấy, người mẹ đã trả lời như sau:
Mẹ đã cưu mang con trong cực khổ suốt chín tháng mười ngày.
Không tính tiền. Mẹ đã chăm sóc con mỗi khi con đau yếu.
Không tính tiền. Mẹ đã nuôi dưỡng con cho đến ngày hôm nay.
Không tính tiền. Tổng cộng: không một đồng nào.
Ký tên:
Người mẹ luôn yêu thương con.
Cha ông chúng ta ngày xưa vốn đã từng dạy:
Làm ơn đừng nhớ làm chi,
Chịu ơn nên chớ quên đi mới là.
Hay như người ta thường bảo:
"Người làm ơn thì phải quên ngay, còn kẻ mang ơn thì phải nhớ mãi."
Một khi đã nhận ơn của ai, chúing ta có bổn phận phải biết ơn và cám ơn người ấy. Nếu không biết ơn và cám ơn thì có lẽ thua xa con vật, Như một câu: "Con vật còn biết ơn, huống nữa là con người"
Có lẽ ai cũng thích chó, thương chó, vì nó mến chủ, trung tín và biết ơn chủ, cho miếng xương nó liền ngoắc đuôi trả ơn. Và quấn quit bên chân chủ.
Một lần du lịch Thái Lan, đến làng huấn luyện và xem voi biểu diễn. Khi đàn voi diễu hành chào quan khách, có người thưởng tiền, nó đưa miệng vòi nhận tiền, tức thì cuộn vòi cúi đầu lạy cám ơn rồi vắt vòi ra sau giao tiền cho chủ. Bỗng nhiên tôi cảm xúc đến rơi lệ: sao nó biết ơn hơn con người vậy?.
Tôi ngậm ngùi liên tưởng cái chết của người mẹ sau lời cám ơn muộn màng của những đứa con bất hiếu:
Một góa phụ vất vả làm lụng trong nhà máy để nuôi bốn đứa con, giờ nằm hấp hối trên giường. Đứng xung quanh bà bây giờ là con cái lớn khôn. Anh trai cả khóc và nói với bà:
Mẹ ạ, mẹ thật tốt và hết lòng yêu thương chúng con, chúng con muốn cám ơn mẹ, chúng con thật hãnh diện về mẹ.
Bà nhướng đôi mắt và hỏi: "Tại sao các con đợi cho đến bây giờ các con mới nói như vậy?
Rồi bà nhắm mắt từ biệt !
Tại sao người tây phương luôn biết nói lời cám ơn (Thank you ) và xin lỗi (Sorry ), hầu như ở mọi nơi, mọi lúc, mọi việc, từ trẻ em biết nói đến người già; còn người Việt Nam mình rất hiếm hoi ! Cha me,vợ chồng. con cái, anh em trong nhà càng khó khăn hơn !
Giống chuyện một quan nọ đang đi dạo trên đường phố gặp một người dân bản xứ, cúi đầu chào một cách kính cẩn. Thấy vậy, viên quan liền chào lại một cách rất lịch sự. Thế nhưng tên cận vệ không đồng ý và nói:
- Ngài mà cũng phải chào thằng mọi đen ấy hay sao?
Viên quan bình tĩnh trả lời:
- Chẳng lẽ tôi lại thiếu văn hóa, không bằng thằng mọi đen ấy hay sao?
Chính vì thế, người ta thường bảo:
"Hoa trái tốt đẹp nhất trên trái đất này, chính là lòng biết ơn ".