TÌNH YÊU
Tình yêu là gì? Một câu hỏi tưởng chừng như chẳng gì là mới mẻ, không gì là hấp dẫn. Nhưng, nào có ai đã định nghĩa được trọn vẹn thứ tình cảm kỳ kỳ cục cục mà người ta gọi là tình yêu?
Có ai đó đã từng nói: “Tình yêu thật sự không phải là cảm xúc, dù nó thường đến cùng những cảm xúc mạnh đến mức làm con người choáng ngợp. Tình yêu không thể kéo dài nếu hai người chỉ có cảm xúc với nhau. Sự hiểu biết lẫn nhau mới là nền tảng của tình yêu thật sự”
Từ bé tôi đã được nghe Cha xứ kể một câu chuyện rất ấn tượng đã đi sâu vào tâm trí trẻ thơ đến bây giờ. Cha kể:
Có một bác nông dân, hàng ngày sau việc đồng áng trên đường về nhà, ông đều đi vào nhà thờ, lặng lẽ ngồi ở hàng ghế cuối cùng nhìn lên Thánh Giá.
Ngày nào cũng thế, ông không biết rằng có một người đã âm thầm quan sát ông từ lâu.
Cho đến một ngày, vị Linh mục già không thể không thắc mắc tiến tới và đợi ông phía trước sân nhà thờ.
- Vị Lm hỏi: ngày nào Cha cũng thấy con ngồi trong nhà thờ 10p, nhưng Cha lại không thấy con đọc kinh hay cầu nguyện gì hết? Vậy chứ, con ngồi đó làm gì?
- Bác nông dân trả lời: “Thưa Cha, con nhìn Chúa và Chúa nhìn con. Con lắng nghe Chúa và Chúa hiểu con, vậy là đủ”
Thế chúng ta đã hiểu gì về tình yêu, về người chúng ta đã, đang và sẽ yêu? Đã có rất nhiều chia sẻ về vấn đề này, chỉ xin thêm đôi lời:
1.Tình yêu lầm tưởng.
Đôi khi, trong cuộc sống có nhiều vấn đề thật thật giả giả làm cho chúng ta “Lầm”. Chúng ta lầm một con số; chúng ta nhận lầm, cho lầm một món tiền, lẫn lộn giữa người tốt kẻ xấu, giữa bạn và thù, vv…Nhưng, điều làm cho con người ta đau hơn hết là lầm tưởng trong tình yêu.
Khi vô tình bắt gặp ánh mắt, nụ cười của người mình thầm yêu. Khi đang gặp chuyện buồn, chuyện không được như ý, những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, những lúc con người ta yếu đuối nhất. Thì những cuộc điện thoại hỏi thăm, những lời an ủi động viên của người bạn khác giới cũng làm cho chúng ta dễ dàng ảo tưởng đó là sự quan tâm của tình yêu. Nhưng có phải là tình yêu hay chưa?
2.Tình yêu vị kỷ
Ai trong chúng ta không có cái tôi ích kỷ, cái tôi muốn chiếm hữu thứ mình cần, điều mình mong muốn? Trong cuộc sống có rất nhiều điều làm cho chúng ta trở nên ích kỷ, nhưng có lẽ ai cũng biết cái ích kỷ lớn nhất là của tình yêu. Như lời của người con gái viết cho người yêu của mình:“Anh yêu hỡi, em không muốn anh nhìn ai khác ngoài em, cả con người anh, trái tim anh phải là của em. Em muốn trong mỗi suy nghĩ, mọi lời nói của anh chỉ là em và em mà thôi.”
Cũng có thể xuất phát từ sự lầm tưởng; khi đang dành tình cảm cho ai đó, ta muốn rằng người đó phải là của riêng ta, trong ta là cả một tâm trạng bất an, lo lắng và sợ mất. Làm sao cho người đó chú ý đến mình? Phải làm sao để có được người đó? Phải làm gì? Làm sao? Và làm sao?
Đó là ngổn ngang tâm tư của con người. Vậy Thiên Chúa như thế nào?
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là sự cho đi, bao dung và kiên nhẫn chờ đợi. Chẳng phải “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thiên Chúa đã trao ban tất cả, trao cả quyền tự do định đoạt mọi sự cho con người, không chiếm hữu, không giữ lại cho riêng mình, nhưng để cho nhân loại được vui hưởng cùng Người.
Ngày 1/7/2011, mừng lễ Thánh tâm Chúa Giêsu, xin cho chúng ta biết nhận ra tình yêu bao la không bờ bến của Chúa dành cho mỗi chúng ta. Xin cho tình người luôn chan hòa giữa cuộc đời, để ta biết mến yêu, bao dung và sống tốt với nhau hơn. Xin cho ta nên giống trái tim Chúa, không vị kỷ, không toan tính - vụ lợi, không tham lam - chiếm hữu. Nhưng biết quảng đại cho đi, biết âm thầm phục vụ tha nhân trong tình yêu của Thiên Chúa.
Linh Nguyễn
Chánh Tòa Cần Thơ