Thần Tượng
Tuổi trẻ ngày nay, người ta thường hay thần tượng một ai đó. Có người thần tượng ca sĩ, có người thần tượng các nhà chính trị, cũng có người thần tượng các bậc anh hùng hay thi nhân. Riêng trong lòng tôi, ba là thần tượng.
Những khi ngồi trong đêm phố phường nhộn nhịp mà hồi tưởng lại từng kỷ niệm thời thơ ấu, tôi không sao quên được những điều ba đã dạy tôi ngày ấy. Bây giờ tôi có một gia đình êm ấm và những đứa con ngoan, tôi mới hiểu tấm lòng người cha rộng thế nào. Có lần các con hỏi tôi rằng :
- Điều ba nhớ nhất về ông nội là gì ? Ba kể con nghe với.
Tôi trầm ngâm kể lại :
" Cái ngày ba còn bé, là năm ba học lớp bốn, trong một lần đi học về, ba nhặt được một phong thư trên đường. Ba tò mò mở xem thì trong đó có tới năm trăm đồng. Mà thời ấy là thời chinh chiến đói khổ, có được năm trăm đồng là rất lớn chứ không như bây giờ. Mỗi lần ba đi học chỉ được bà cho có năm đồng đã là khá tốt rồi. Nhặt được tiền khi ấy, ba nghĩ đem về cho ông bà thì ông bà sẽ rất vui, nhà đang hết gạo mà anh em thì đông, có năm trăm này mua gạo cũng đỡ nhiều chứ. Về nhà ba hớn hở khoe với ông bà và ba hoa đủ chuyện vì cho rằng mình vừa lập được công lớn.
Ông im lặng cầm xem bì thư, trên ấy có ghi đầy đủ cả họ tên lẫn địa chỉ của một người. Thế là ông bảo :
- Nếu mà mình không biết thì thôi đành chịu, chứ biết rõ tên và địa chỉ người ta rồi thì phải trả lại, không được dùng. Nếu mình dùng là lỗi đức công bằng.
Ba lúc ấy còn bé quá, cũng chẳng thể hiểu đức công bằng là gì. Chỉ biết rằng ông dạy như thế thì phải vâng lời như thế.
Rồi đang khi trời trưa nắng rát bỏng như vậy, ông lấy xe đạp đèo ba đi một mạch tới tận địa chỉ ghi trên phong thư. Ba còn nhớ rất rõ đó là số nhà 22/1 Bạch Đằng dưới chân nhà thờ núi. Ông đích thân trả tiền lại cho người có tên ấy. Thế là ông trở thành người đưa thư bất đắc dĩ.
Đó là kỷ niệm mà ba nhớ nhất. Ông chẳng bao giờ ngôi giảng dạy đạo lý cho anh em ba thao thao hàng giờ. Nhưng từng hành động ông làm đều là gương sáng để răn dạy con cái.
Sau này khi ba lớn lên phải đi học xa nhà. Mỗi tuần ba đều nhận được một bức thư ông gửi. Trong thư chẳng có gì quan trọng cũng chẳng có gì mới mẻ ngoài những lời hỏi thăm nhắc nhở giản dị. Ông làm như thế rất đều đặn, không một tuần nào là không có. Thế nên mỗi lần nhận được thư của ông, ba không cần đọc cũng biết rõ trong ấy viết những gì rồi.
Chỉ có thể là : "Con ráng giữ gìn sức khỏe, lo hạnh hành tử tế. Đừng lo cho ba mẹ ở quê mà phân tâm. Con học giỏi thành tài là không phụ công ba mẹ hy vọng vào con rồi". Ông là người ít nói thế đấy, nhưng lại rất đa cảm.
Những bức thư ấy bây giờ ba còn giữ nguyên vẹn không mất một lá nào.
Ông thương ba nhất nhà, mỗi lần đi lễ hay đi chầu ông đều dẫn ba theo, dạy cho ba lặp lại từng lời cầu nguyện.
Cũng có nhiều đêm ba bắt gặp thấy ông cầu nguyện sốt sắng trong phòng tối cách kín đáo. Điều ba học được ở ông đó là lòng giữ đạo sốt sắng chuyên chăm.
Ông là thần tượng trong lòng của ba".
Các con say sưa nghe tôi kể chuyện. Có đứa bảo ;
- Thảo nào hôm nay ba cứ dạy chúng con sống công bằng đạo đức. Thì ra đó là lúc nhỏ ông dạy ba như vậy.
Tôi nói với các con ;
- Ba kể các con nghe cũng là muốn các con hãy ghi nhớ trong lòng: Ông dạy ba bằng chính đời sống của mình và ba cũng đã học từ ông mà dạy các con như vậy. Sau này khi các con lớn lên có gia đình con cái, các con cũng phải dạy cho chúng biết sống thế nào cho tốt đời đẹp đạo.
Đó là những gì đẹp nhất trong tôi về hình ảnh một người cha lặng lẽ mà tinh tế, một người thầy dạy tôi rất nhiều điều trong cuộc sống tuy rằng giản dị thôi nhưng không kém những ý nghĩa mang chiều sâu giáo dục nội tâm như thế.
Tác giả Triều Châu (nguồn dunglac.org)