Gắn Bó Với Chúa Kitô
Trong Tin mừng Thánh Gioan Chúa Giêsu nói: "Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng lại gì được" (Ga 15,5). Qua câu nói này, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những người đi theo Chúa một chân lý đó là: Chúa chính là nguồn mạch sự sống, sự toàn thiện. Con người chỉ phát triển và trưởng thành khi và chỉ khi kết hợp với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Sự gắn bó nầy được Tin mừng thánh Gioan dùng từ ngữ của riêng ngài là "ở lại" để chỉ sự gắn bó, sự liên kết đến độ trở nên một. Như vậy, dù là giáo sĩ hay giáo dân sự liên kết mật thiết với Chúa là tương quan sống còn của đời sống Kitô hữu, có gắn bó với Chúa, có nên một với Chúa thì mới phát triển tròn đầy ơn gọi riêng của mình.
Trước hết phải nói một cách rõ ràng rằng: ơn gọi riêng của người Kitô hữu dù là giáo sĩ hay giáo dân là: nên thánh và nên thánh trong ơn gọi của mình. Công đồng Vatican II trong Hiến chế Tín Lý về Giáo hội đã khẳng định "Giáo dân là những người đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Ki-tô, nhờ Phép Rửa Tội, đã trở nên Dân Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki-tô theo cách của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Ki-tô giáo trong Hội Thánh và trong thế giới theo phận vụ riêng của mình. Tính trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân" (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 31). Để lại sau lưng những quên lãng về vai trò của người giáo dân trong dòng sống của Giáo hội. Công đồng Vatican II khẳng định một cách rõ ràng giáo dân được ơn gọi nên thánh nhờ Bí tích Rửa tội, họ được mời gọi tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô theo cách và ơn gọi của họ như cành nho liên kết với thân nho. Như vậy, chính trong Bí tích Rửa tội người tín hữu được mời gọi nên thánh.
Sau khi thực hiện phép lạ chữa người bị quỷ ám tại Ghêraxa thì anh nầy xin theo Chúa Giêsu nhưng Người bảo anh: "Anh cứ về nhà và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh." Anh ta ra đi, rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giê-su đã làm cho anh. (Lc 8, 38). Chúa chọn các môn đệ thì ít nhưng mời gọi mọi người hãy loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa như người bị quỷ ám đây. Chúa cho mọi người được vinh dự làm con cái Chúa, nhưng Người chọn riêng một số ít người có ơn gọi đặc biệt để xây dựng Giáo hội Chúa nhưng "Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, cũng chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người, nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Ki-tô giáo trưởng thành" (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Truyền Giáo, số 21). Như thế, Giáo hội chỉ vững mạnh khi từng chi thể liên kết mật thiết với Chúa Giêsu là Đầu, hay nói cách khác Giáo hội chỉ vững mạnh khi giáo sĩ và giáo dân cùng được trưởng thành trong đời sống đức tin.
Như đã nói giáo sĩ là một thành phần rất nhỏ nên không thể bao quát được nếu không có sự nhiệt tâm dấn thân của anh chị em giáo dân vì thế Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Như Công đồng Vatican II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô (x. Hiến chế "Ánh sáng muôn dân", 31). Do ơn sủng và do tiếng gọi của Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 45).
Người giáo dân trong thế giới ngày nay có một vai trò quan trọng trong việc phát triển Giáo hội, họ là người dấn thân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, họ chia sẻ nỗi vất vả của cuộc sống, họ trở nên những men, những muối cho môi trường sống của họ... vì thế có thể nói công cuộc truyền giáo ngày nay không thể quên vai trò quan trọng của người giáo dân. Nhưng để họ trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô, những nhà truyền giáo đích thực thì trước hết họ phải được "đào tạo" là những người gắn bó với Chúa Kitô. Có gắn bó với Chúa Kitô thì mới có thể trở thành những nhà truyền giáo chân chính.
Xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi để tất cả chúng ta có thể mạnh dạn dấn thân cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội: "Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến anh chị em giáo dân và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt" (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 45).