Tâm Sự Trĩu Nặng Của Bác Sĩ Chuyên Nghề Phá Thai
"Nặng nề"
“Nặng nề” là cụm từ duy nhất bác sỹ Dung mô tả về những thầy thuốc làm công việc liên quan đến chuyện phá thai, đặc biệt là với những người mới vào nghề và phải tiếp xúc ngay với một lĩnh vực “nhạy cảm”, chất chứa nhiều chuyện riêng tư oái oăm và đau lòng này.
“Cũng có người coi chuyện phá thai là chuyện bình thường. Nhưng tôi biết là có nhiều bác sỹ, nhất là những bác sỹ lớn tuổi, họ thường nghĩ về vấn đề tâm linh trong công việc của mình. Tội sát sinh lớn nhất là sát sinh con người. Với người thầy thuốc, việc phá thai thường xuyên cho người bệnh về bản chất cũng chính là chuyện sát sinh đó thôi”, bác sỹ Dung chia sẻ.
Theo thời gian và trải qua quá nhiều ca nạo hút thai, cảm giác “nặng nề” không nhạt đi, chỉ khiến bác sỹ phụ sản như bác sỹ Dung không còn nghĩ nhiều đến nó nữa (dù nó vẫn thường trực trong lòng).
Tuy vậy, ít ai biết rằng, trước khi thực sự bước vào nghề này, bác sỹ Dung đã trải qua những cuộc đấu tranh tư tưởng dai dẳng.
Có những giai đoạn cuộc sống riêng tư gặp nhiều sóng gió, nữ bác sỹ này đã chột dạ tự vấn: “Hay tại mình phá thai cho nhiều người quá nên giờ phải trả nghiệp?”. Suy nghĩ này càng có sức nặng bởi có đồng nghiệp của bác sỹ Dung đã nhất quyết không bao giờ làm thủ thuật phá thai cho bất kỳ một người nào sau khi người này sinh ra một đứa con mắc bệnh tự kỷ.
“Họ cho đó là sự trả giá với nghề nghiệp của mình. Nhưng nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, có nhiều thầy thuốc phá thai cho rất nhiều người, nhưng cuộc sống của họ vẫn êm ả. Nhưng có nhiều người không phá thai cho ai mà cuộc sống vẫn gặp nhiều sóng gió. Vậy phải nghĩ như thế nào về chuyện này? Phá thai có lẽ không phải yếu tố để cuộc sống người thầy thuốc trở nên liêu xiêu”, bác sỹ Dung tự hỏi, rồi lại tự trả lời.
Có quyền từ chối phá thai, nhưng không thể…
Thực ra, với một bác sỹ có phòng khám tư như bác sỹ Dung, họ hoàn toàn có thể từ chối phá thai nếu không muốn mang tiếng “sát sinh” (điều này khác với việc làm trong bệnh viện, bởi nếu làm trong bệnh viện thì đó là công việc bắt buộc bệnh viện giao cho và người bác sỹ phải hoàn thành).
Tuy luôn cản trở hành động phá thai của những người phụ nữ tìm đến với mình, nhưng từ trong thâm tâm, bác sỹ Dung tự biết là một khi người ta tìm đến nhờ phá thai giúp, thì mình gần như không có lựa chọn nào khác là phải giúp họ.
Vị bác sỹ đưa ra những lý giải để tự thuyết phục mình làm cái công việc mà mình không muốn:
Thứ nhất: Nếu mình làm tốt hơn nơi khác mà mình từ chối làm thì người mẹ đó sẽ vẫn tìm dứt khoát đến một nơi khác để giải quyết nhu cầu. Việc đó có tội không?
Thứ hai: Nếu bị từ chối, người phụ nữ đó có thể ngại ngùng xấu hổ không dám đến chỗ khác mà tự mua thuốc lăng nhăng về uống để cho thai ra, hoàn toàn không có tư vấn và có thể gây ra hậu quả đau lòng cho cả người mẹ. Việc đó có tội không?
Thứ 3: Có nhiều người “dọa” sẽ tự tử nếu bác sỹ không đồng ý phá thai cho họ (và có người đã làm thật trong lúc quẫn trí). Mâu thuẫn này nên được giải quyết thế nào?
Thứ 4: Nếu cả 3 điều trên không xảy ra, người mẹ giữ lại con để đẻ thì liệu họ có thể nuôi con khi đang đi học? Về lý thuyết thì 'trời sinh voi trời sinh cỏ', nhưng nó sẽ mang lại những hệ lụy cho cả xã hội. Nếu có thể chấp nhận nuôi con một mình và vượt qua mọi chuyện, thì việc đó cũng là một thách thức rất lớn, không ai cũng có thể làm được.
Và trên hết, như để tự “trấn an” mình, bác sỹ Dung luôn nghĩ “quyết định tự nguyện phá thai 90% là của người mẹ, thầy thuốc không phải người xúi giục. Lúc nào thầy thuốc cũng khuyên nên giữ thai lại, nhưng khuyên không nổi nữa thì mới phải “tiếp tay” và ngẫu nhiên trở thành “đao phủ”. Dù chỉ là “đao phủ” bất đắc dĩ, nhưng trong đáy lòng, bà vẫn luôn tự vấn: “Cái tội của mình như thế có lớn không?”.
Vừa giận, vừa thương
Bất kỳ ai tìm đến phòng khám đề nghị được phá thai đều được bác sỹ Dung hỏi câu hỏi đầu tiên là: “Tại sao lại phá?”.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phổ biến nhất là những lý do như: Cháu đang đi học/Cháu chưa có công ăn việc làm ổn định/Anh ấy không cưới cháu, v..v… thậm chí có trường hợp nói dối rằng “Cháu bị hiếp”.
Sau khi nghe những lời thổ lộ này, việc tiếp theo bác sỹ Dung làm là khuyên ngăn nên làm tất cả mọi cách để có thể giữ lại đứa con đang phát triển bình thường, khỏe mạnh trong bụng.
“Cũng có những trường hợp phá thai chưa hẳn là xấu, nhưng với lương tâm của người mẹ, người thầy thuốc, lúc nào tôi cũng muốn người bệnh của mình không bị ám ảnh về chuyện bỏ con”, bác sỹ Dung cho biết.
Điều “oái oăm” nhất của một bác sỹ làm nghề phá thai như bác sỹ Dung là dù một mực khuyên can bệnh nhân đừng bỏ thai, nhưng một khi đã thực hiện thủ thuật là bác sỹ Dung sẽ lấy tiền thật đắt (và công khai mức tiền này trước khi phá).
“Tôi muốn cho họ thấy rằng họ phải trả giá, bằng cả tinh thần lần vật chất. Nếu thấy phá thai rẻ quá thì có thể sẽ có lần họ lại tìm đến mình, nhưng nếu đắt quá thì mỗi lần họ định quan hệ với ai đó là phải nghĩ đến chuyện phòng tránh”, bác sỹ Dung nói.
Cảm giác của bác sỹ Dung đối với những cô gái đến phá thai là vừa thương vừa giận. Thương vì có những người quá non trẻ ngây ngô, chỉ vì một phút bốc đồng mà gánh hậu quả; thương vì có những hoàn cảnh (dù không nói hết ra) nhưng bằng cảm nhận của một người phụ nữ, bác sỹ Dung hiểu phá thai là việc cực chẳng đã của bất kỳ một người mẹ nào.
Nhưng bà cũng giận, trách móc những người đã trót dại 1 lần vì thiếu hiểu biết, nhưng vẫn tiếp tục phá thai đến 3, 4 lần sau (trong cùng một năm trời)… Chuyện đó quả thực không thể chấp nhận được…
Cẩm Quyên