Rôma: Đại lễ tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân phước
WHĐ/ Tin tổng hợp (2.05.2011) – Sáng 1-05, Chúa nhật II Phục sinh, lễ kính lòng Chúa thương xót, lúc 10g, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ sự Thánh lễ tôn phong vị tiền nhiệm của mình, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), lên bậc Chân phước.
Hàng trăm ngàn tín hữu đến từ khắp nơi đã tham dự cuộc cử hành đáng nhớ này, đặc biệt có sự hiện diện của 87 đoàn đại biểu các nước, 5 hoàng gia, 16 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Ba Lan và Tổng thống Italia và 7 vị đứng đầu chính phủ.
Quang cảnh quảng trường thánh Phêrô trong buổi lễ tôn phong chân phước (Ảnh: Getty)
Sau lời nguyện Thống hối, Đức hồng y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Roma, cùng với vị Cáo thỉnh viên, Đức ông Slawomir Oder, đã đọc lời Thỉnh cầu Đức Thánh Cha tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân phước.
Tiếp theo Đức hồng y Vallini giới thiệu tiểu sử của vị tân Chân phước.
Về giai đoạn 27 năm gánh vác trọng trách sứ vụ Tông đồ Phêrô, bản tiểu sử Đức cố Giáo hoàng viết:
“Ngày 16 tháng 10 năm 1978 ngài được bầu làm Giám mục Rôma và là Giáo hoàng của Hội thánh Công giáo, lấy danh hiệu Gioan Phaolô II. Trái tim mục tử của ngài dành trọn cho công cuộc mở mang Nước Chúa, mở ra cho toàn thế giới. “Đức ái của Chúa Kitô” đã đưa ngài đi đến với các giáo xứ Giáo phận Rôma, loan báo Tin Mừng trong tất cả mọi lãnh vực, khơi gợi cho ngài thực hiện nhiều chuyến tông du tại các châu lục để củng cố anh em trong đức Tin, truyền thêm sức lực cho những người đau khổ và thất vọng, mang sứ điệp hòa giải giữa các Giáo Hội Kitô giáo và bắc nhịp cầu thân hữu giữa những người tin vào Thiên Chúa duy nhất và những người thiện chí. Huấn quyền chói sáng của ngài không gì khác hơn ngoài việc loan báo mọi lúc mọi nơi Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc duy nhất của loài người. Với nhiệt huyết truyền giáo phi thường, ngài yêu mến giới trẻ cách đặc biệt. Ngài triệu tập các Ngày Giới trẻ thế giới nhằm loan báo cho thế hệ trẻ về Chúa Giêsu Kitô và Phúc âm của Người để người trẻ làm chủ tương lai của mình và hợp tác xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Mối ưu tư của vị mục tử hoàn vũ được thể hiện qua việc triệu tập nhiều Thượng Hội đồng Giám mục, qua việc thiết lập nhiều giáo phận và các địa hạt trực thuộc Tòa Thánh, qua việc ban hành bộ Giáo luật của Giáo Hội Latinh và các Giáo Hội Đông phương cũng như bộ Giáo lý chung của Hội Thánh Công giáo, qua việc ban bố các thông điệp và tông huấn.
Nhằm đưa đời sống linh đạo đi vào chiều sâu, ngài mở các Năm Thánh ngoại thường là Năm Thánh Cứu chuộc, Năm Thánh Mẫu, Năm Thánh Thể và Năm Toàn xá 2000.
Với tinh thần lạc quan được xây dựng trên nền tảng tín thác vào Chúa Quan phòng, Đức Gioan Phaolô II đã sống kinh nghiệm bi đát của 2 nền độc tài, một lần bị mưu sát vào ngày 13-05-1981, rồi những năm cuối đời thân xác chịu đựng bệnh tật, ngài luôn hướng về niềm hy vọng và mời gọi mọi người hãy phá đổ những bức tường ngăn cách, quét sạch mọi thối chí, để lấy đà vươn tới mục tiêu canh tân tinh thần, đạo đức và vật chất”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nêu cao những đóng góp của Chân phước Gioan Phaolô II trên cương vị Giáo hoàng:
“Đức Hồng y Karol Wojtyla tiến đến ngai tòa của Tông đồ Phêrô, mang theo suy tư sâu sắc về cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa Mác và Kitô giáo tập trung vào vấn đề con người. Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II là: Con người là đường đi của Giáo Hội và Đức Kitô là đường đi của con người. Với tín thư vốn là di sản của Công đồng Vatican II và của vị hoa tiêu của ngài là Tôi tớ Chúa - Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II đã dẫn dắt Dân Chúa bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba của Kitô giáo, nói chính xác, nhờ Đức Kitô, bước qua ngưỡng cửa hy vọng. Vâng, qua một hành trình dài chuẩn bị Năm Toàn xá, ngài đã đem lại cho Kitô giáo một sự định hướng được đổi mới hướng về tương lai, tương lai của Thiên Chúa, sự siêu việt đối với lịch sử nhưng có ảnh hưởng đối với lịch sử. Một cách nào đó trách nhiệm mang niềm hy vọng đã bị nhường cho chủ nghĩa Mác và trào lưu tư tưởng về sự tiến bộ, và chính ngài đã chấn hưng Kitô giáo và khôi phục diện mạo đích thực của niềm hy vọng, để sống trong lịch sử với tinh thần của mùa vọng, trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng hướng về Chúa Kitô, sự viên mãn của con người và sự viên thành mọi khao khát của con người về công lý và hòa bình.
Đức Thánh Cha Bênêđictô cầu nguyện trước quan tài Vị Tân chân phước (Ảnh: Getty)
Tiếp đó Đức Thánh Cha nêu cao bài học của Vị tân Chân phước về sự cầu nguyện, về kinh nghiệm sống kết hợp mật thiết với Chúa qua đau khổ, sự khiêm nhường, hy sinh, từ bỏ mình và yêu mến Phép Thánh Thể.
Ngay sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha và các vị đồng tế đã vào kính viếng thi hài đáng kính của Chân phước Gioan Phaolô II được đặt trong Vương cung Thánh đường Vatican.
Sáng thứ Hai 2-05, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Bertone sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn tại quảng trường Thánh Phêrô.
PV