ĐTC nói xã hội ngày nay không còn hiểu hôn nhân là bất khả phân ly và mở ra cho sự sống
Vatican - Ngày 6-4, trong cuộc tiếp kiến các Giám mục thuộc Giáo Hội Syro-Malabar của Ấn Độ nhân chuyến thăm "ad Limina Apostolorum" của các ngài cứ mỗi năm năm một lần, ĐTC Biển Đức 16 khuyến cáo rằng "các gia đình cần nhìn đến Chúa và lời cứu độ của Chúa, cho một tầm nhìn toàn diện và thật sự tích cực về mối quan hệ cuộc sống và hôn nhân, vốn rất là quan trọng cho lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại".
Ngài nói: "Thật không may, Giáo Hội không còn có thể dựa vào sự hỗ trợ của xã hội nói chung để cổ vũ sự hiểu biết Kitô giáo về hôn nhân, như là một kết hợp lâu dài và bất khả phân ly, vốn được qui định cho sự sinh sản và thánh hóa của vợ chồng". Tuy nhiên, "các thay đổi nhanh chóng và ấn tượng" đang diễn ra trong xã hội đương đại, theo giáo huấn Công giáo về hôn nhân và gia đình, không chỉ đặt ra một "thách thức nghiêm trọng, các khả năng mới để công bố sự thật giải phóng của sứ điệp Tin Mừng, nhằm biến đổi và nâng cao mọi mối quan hệ con người". Theo ĐTC, một mục tiêu hướng đến sự chăm sóc việc huấn luyện giới trẻ là cần thiết.
Theo quan điểm này, ĐTC đã yêu cầu sự hỗ trợ của các Giám mục và Linh mục, vì một "nền giáo dục lành mạnh và đầy đủ cho người trẻ trong cách sống trinh khiết và trách nhiệm sẽ không chỉ giúp họ nắm bắt bản chất thật sự của hôn nhân, mà còn giúp ích cho nền văn hóa Ấn Độ nói chung".
ĐTC cũng nhấn mạnh đến việc huấn luyện các tu sĩ, là những người đóng vai trò chủ đạo, ngay cả ở Ấn Độ, cho nhiều công tác có giá trị về giáo dục và từ thiện. Ngài nói thêm: "Giáo hội nhấn mạnh rằng việc chuẩn bị cho lời khấn tu sĩ sẽ được đánh dấu bằng sự phân định lâu dài và thận trọng, với mục tiêu là đảm bảo, trước khi khấn trọn đời, mỗi ứng sinh bén rễ chắc chắn trong Chúa Kitô, vững chắc trong khả năng của mình, vì một cam kết chân thật và vui tươi trong hồng ân tự hiến cho Chúa Kitô và Giáo Hội". Phát biểu với các Giám mục của một Giáo hội vốn cho rằng vị sáng lập là thánh tông đồ Tôma và có hơn ba triệu tín hữu, đặc biệt là ở Kerala (Ấn Độ), ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ vụ hiệp nhất. Ngài nói thêm: "Trách nhiệm này là đặc biệt quan trọng trong một đất nước như Ấn Độ, nơi nó phản ánh sự hiệp nhất của Giáo Hội trong sự đa dạng phong phú của các lễ nghi và truyền thống của nó". (AsiaNews 7-4-2011)
Nguyễn Trọng Đa4/7/2011 (nguồn vietcatholic.org)