chaphu
Tổng số bài gửi : 657 Join date : 17/02/2011 Đến từ : Hòa Nghĩa- Cam Lâm-Khánh Hòa
| Tiêu đề: Suy nghĩ nhân trận thiên tai khủng khiếp tại Nhật Bản Mon Mar 21, 2011 5:48 pm | |
| Suy nghĩ nhân trận thiên tai khủng khiếp tại Nhật Bản
Suy nghĩ nhân trận thiên tai khủng khiếp tại Nhật Bản
Trận động đất ngày 11.3.2011 vừa qua tại Nhật Bản với quy mô 8,9 độ richter là trận động đất mạnh nhất trong 140 năm qua, nó kéo theo những đợt sóng thần cao tới 10 mét ập vào đông bắc nước này và gây ra một cảnh tàn phá và chết chóc thật khủng khiếp. Liền sau thảm hoạ động đất-sóng thần, nước Nhật lại phải đương đầu với hiểm hoạ phóng xạ do một số nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố. Người ta nhận định rằng hậu quả của thảm hoạ động đất-sóng thần là hết sức to lớn, mặc dù Nhật Bản là nước có khả năng đối phó với loại thiên tai này hiệu quả nhất thế giới: trên 10.000 người chết và mất tích, và ít nhất khoảng 100 tỉ đô-la về thiệt hại vật chất, nhưng nếu một thiên tai tương tự xảy ra ở một nước khác, con số thương vong và thiệt hại về vật chất sẽ còn kinh khủng hơn rất nhiều. Một điều làm cho cả thế giới khâm phục là tinh thần đoàn kết, nhân ái, bình tĩnh, kỷ luật và lòng tự trọng của người dân Nhật; không có cảnh chen lấn, lộn xộn trong các trung tâm cứu nạn, hay giành giật, la ó khi nhận đồ cứu trợ hoặc lúc chờ cửa hàng mở cửa; nhất là không có cảnh cướp bóc hay hôi của mà người ta thường thấy ở nước ta và nhiều nơi khác trong những hoàn cảnh tương tự, ngay như ở Anh, Mỹ, New Zealand. Nước Nhật không chỉ phát triển cao về kỹ thuật nhưng cả về văn hoá, nhân bản và đạo đức nữa. Thật đáng khâm phục!
Một câu chuyện rất cảm động do một cảnh sát Nhật gốc Việt Nam kể lại trên báo Tuổi Trẻ hôm qua 18.3, có thể minh hoạ cho một nền giáo dục đạo đức và công dân thành công ở nước châu Á này.
“Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng, có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quân đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên tôi lại hỏi thăm. Cậu bé kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần xảy ra, cha của cậu làm việc gần đó chạy đến trường. Từ ban công lầu 3 của trường cậu nhìn thấy chiếc xe và người cha bị nước cuốn trôi, chắc chắn ông đã chết rồi. Hỏi mẹ ở đâu, cậu bé nói nhà nằm ngay bờ biển, mẹ và em của mình chắc cũng không chạy kịp. Đứa nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy cậu bị lạnh, tôi cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người cậu. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho bé và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói.”
Đứa bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tưởng cậu sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó? Bé trả lời: “ Bởi vì còn có nhiều người chắc còn đói hơn con. Bỏ vào để các cô chú phát chung cho công bằng, chú ạ.”
Đến lúc này tôi phải quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại…” (tr. 11)
Anh cảnh sát Nhật gốc Việt Nam cảm động và thán phục còn tôi thì không chỉ thán phục và chạnh lòng nhưng còn chột dạ nghĩ đến đất nước mình, và tự hỏi nền giáo dục của chúng ta biết khi nào mới theo kịp người Nhật? Chúng ta đang quyết tâm tiến đến một xã hội văn minh hiện đại, nhưng thế nào là hiện đại và văn minh?
Nghe chuyện cậu bé Nhật 9 tuổi, tôi chợt nhớ tới chuyện một nhóm học sinh ở Tp Hồ Chí Minh, trong dịp tới thăm cô giáo của chúng tại nhà, được cô kể cho nghe về cái chết anh dũng của thánh Maximilianô Kôlbê. Ngài là một linh mục Ba Lan bị Đức Quốc Xã bắt giam năm 1941 và đang chờ ngày bị đưa vào lò thiêu. Hôm ấy trong trại giam có một tù nhân trốn thoát. Viên cai tù tập trung tù nhân lại và tuyên bố 10 người sẽ phải chết thay; anh ta còn hăm doạ: lần sau số người chết thay sẽ gấp đôi. Nói rồi, anh ta đưa tay chỉ lần lượt vào 10 tù nhân bất kỳ trong đám tù nhân đang phập phồng chờ đợi. Bỗng một người trong số những người bị chỉ định khóc to và kêu lên: “Ôi vợ tôi, các con tôi!” Lúc ấy, người ta bất ngờ thấy cha Kôlbê ra khỏi hàng ngũ và giơ tay tự nguyện xin chết thay cho người cha gia đình ấy. Được viên cai tù hỏi vì lý do nào, ngài trả lời đơn giản: “Tôi là linh mục công giáo, đời tôi ở đây không còn giúp ích mấy cho ai nữa, trong khi ông này còn có một gia đình để gánh vác.” Về sau, ông này sẽ còn có mặt trong lễ phong chân phước của cha Maximilianô Kolbê tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày 17.10.1971. Câu chuyện thật cảm động và cô giáo chúng ta cứ tưởng rằng nó sẽ gợi lên lòng thán phục nơi đám trẻ, vì cô nghĩ tuổi trẻ thường thích “làm anh hùng”, nhưng không ngờ vừa nghe xong, một đứa trong bọn đã trơ trẽn thốt lên: “Đồ ngu!”.
Từ lâu lắm khi còn trẻ, tôi thường được nghe nhắc tới Nhật Bản như là mẫu mực phát triển cho các nước chậm phát triển, đặc biệt cho Việt Nam. Người Nhật, ngay từ thế kỷ 19, đã có chủ trương mở cửa để đổi mới đất nước họ bằng cách học tập khoa học kỹ thuật của phương Tây nhưng kiên quyết giữ vững nền văn hoá cổ truyền của mình.
Ngày hôm nay, Việt Nam ta cũng muốn làm như họ, nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta thấy dường như càng “phát triển” về vật chất, xã hội càng băng hoại, tuổi trẻ càng mất phương hướng, càng dễ mất gốc, lai căng. Văn hoá Tây phương đang xâm nhập ào ạt vào nước ta; nó có nhiều điều rất hay cho ta học hỏi, nhưng nhận ra và thực hiện những giá trị đích thực của một nền văn hoá đâu phải dễ, trong lúc đó thì những mặt trái của nó lại quá hấp dẫn đối với người trẻ, vốn thích tự do và muốn hưởng thụ ngay những gì vừa tầm tay. Các nhà lãnh đạo đất nước cũng từng tuyên bố phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; ngành giáo dục những năm gần đây cũng chủ trương “tiên học lễ hậu học văn”, “học làm người trước khi học chữ nghĩa”, nhưng tình trạng giáo dục chẳng thấy chuyển biến gì đáng kể, trước sau vẫn là dạy và học nhồi nhét, vẫn là học thêm, dạy thêm và nặng nề về thi cử, bằng cấp. Trong đầu đại đa số học sinh, sinh viên sớm hình thành tư tưởng rằng: phải học, phải có bằng cấp để có việc làm, có tiền bạc, có cuộc sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi hưởng thụ, và không tiền bạc thì không thể “khá” được!… Nhưng đừng vội trách móc chúng, chính cha mẹ chúng thường cũng không nghĩ khác hơn, vẫn cho là chỉ có học mới mong đổi đời được. Nhìn vào thực tế xã hội Việt Nam hiện nay,chẳng phải là vật chất và tiền bạc đang đứng đầu bậc thang giá trị sao? Chẳng phải là tính ích kỷ đang lấn lướt lòng nhân ái, vị tha sao?
Thay đổi tình hình nói trên là hết sức khó khăn, hơn nữa dường như nan giải trong thực tế xã hội Việt Nam. Vì sao? Vì –để nói mau– không biết làm sao người ta có thể vừa duy trì nền đạo lý dân tộc vừa ra sức xây dựng một mô hình xã hội theo một học thuyết mà trong căn bản là ngược lại với nhiều giá trị căn bản của nó như lịch sử đã cho thấy?
Sau hết, nhân đây tôi muốn nêu lên một vấn đề với các nhà giáo dục đức tin trong Giáo Hội: chúng ta có thực sự xác tín rằng giáo dục nhân bản là phần không thể thiếu trong giáo dục đức tin không? Tôi biết là vẫn có giáo dục nhân bản, giáo dục những đức tính tự nhiên trong các lớp giáo lý, nhưng liệu chúng ta có làm một cách bài bản, kiên quyết, nhẫn nại và liên tục không? Thấy tỉ lệ người Nhật theo Kitô giáo hết sức nhỏ nhưng họ sống tốt như thế, tôi xin nêu thêm câu hỏi mang tính lý thuyết hơn: người ta có thể là một người Kitô hữu tốt (như Chúa muốn) mà lại thiếu những đức tính căn bản tự nhiên không?
(Lễ thánh Giuse 2011)
Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM | |
|