Chuyện Cái Nón
Có ai trong chúng ta không một lần "chụp" lên đầu mình một cái nón? Từ lúc mới sinh ra, cha mẹ đã âu yếm đội cho ta cái nón vải be bé xinh xinh "cho nó khỏi lạnh cái mỏ ác".
Lớn hơn một chút, ta chạy nhảy tung tăng rong chơi trong vườn, trong công viên... cũng với cái nón trên đầu với lời nhắc nhở yêu thương: " Đội nón vô đi con, coi chừng cảm nắng...". Lớn hơn chút nữa, cắp sách đến trường hay đơn giản chỉ là chạy nhong nhong ngoài dường phố... vâng, cũng lại là cái nón - vật bất ly thân.
Và rồi gì nữa?... Một tà áo e ấp, một ánh mắt thẹn thùng thấp thoáng sau vành nón (lại nón!). Chiếc nón đi vào trong thơ ca, trong âm nhạc... "nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ...". Nón đi vào cuộc sống của chúng ta sâu đến mức chuyện đội nón lên đầu mỗi khi ra đường đã trở thành phản xạ, thói quen.
Có cầu ắt phải có cung, ở đất Sài Gòn này hình thành một làng nón, cha truyền con nối chỉ một nghề may nón suốt mấy mươi năm nay. Đùng một cái, mọi người buộc phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông...Chiếc nón vải đã trở thành kỹ niệm, làng nón đang đối mặt với nguy cơ phá sản.
Phải làm gì để tồn tại? Bình tâm lại sau cơn "choáng", những người thợ nón đã "phát minh" ra cái vành vải gắn vào chiếc nón bảo hiểm. Cái phát minh mới này đã góp phần cải tiến giúp che nắng hiệu quả hơn, "nữ tính" hoá cái nón bảo hiểm thô kệch và hơn tất cả, nó đã mở ra lối thoát cho làng nón.
Với hiệu quả "che chắn" cao, tiện lợi tháo lắp dể dàng đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong hai mùa mưa nắng, thị trường đã dang tay đón nhận sản phẩm mới. Không dừng lại ở đó, những người thợ... à không, bây giờ phải gọi là nghệ nhân mới đúng, "thừa thắng xông lên" tiếp tục cho ra lò chiêu mới: Bọc mũ bảo hiểm bằng nhiều chất liệu vải nhiều màu, nhiều kiểu hoa văn lạ mắt thay cho một màu sơn đơn điệu...
Vậy đó, cứ mỗi khi có khó khăn, thử thách thì sẽ xuất hiện những ý tưởng tích cực để vượt qua. "Cái khó ló cái khôn", ông bà ta dạy cấm có sai!
nguồn baihocthanhcong.com