Mùa Thường Niên - Cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các thế hệ trẻ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mùa Thường Niên - Cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các thế hệ trẻ


 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu
Hỗ trợ trực tuyến
     
         Hoàng Admin 
Latest topics
» Praesidium Đức Mẹ Lên Trời Vạn Giã
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeTue Sep 17, 2013 9:41 am by QuốcToàn

» Thánh đường Giáo xứ Vạn Giã
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeFri Jun 29, 2012 11:52 am by tqhoangvg

» Hình ảnh Giáng Sinh Vạn Giã năm 2011
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeMon Dec 26, 2011 5:32 pm by chaphu

» Cuba sẽ chào đón Đức Thánh Cha với tấm lòng yêu mến và kính trọng
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeThu Dec 22, 2011 4:19 am by chaphu

» Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thăm các tù nhân
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeThu Dec 22, 2011 4:19 am by chaphu

» Chúa nhật IV Mùa Vọng: MỪNG VUI LÊN
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeSat Dec 17, 2011 3:04 pm by chaphu

» Gặp gỡ Kitô giáo-Hồi giáo bàn về quốc gia Palestine tương lai
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeSat Dec 10, 2011 5:35 am by chaphu

» 4 nguyên tắc sống để có hòa bình ở Trung Đông
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeSat Dec 10, 2011 5:34 am by chaphu

» Chúa nhật III mùa vọng: NIỀM VUI THẬT
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeSat Dec 10, 2011 5:31 am by chaphu

» Thứ bảy tuần II mùa vọng: Êlia đã đến rồi
Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeSat Dec 10, 2011 5:26 am by chaphu

Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Thủ đô hà nội

Cố đô huế

Tp Quy Nhơn Click for Qui Nhon, Viet Nam Forecast
Tp Nha Trang Click for Nha Trang, Viet Nam Forecast
Tp Hồ Chí Minh
Tra từ điển

Tra theo từ điển:



May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar

 

 Giới Trẻ Và Tự Do

Go down 
Tác giảThông điệp
chaphu

chaphu


Tổng số bài gửi : 657
Join date : 17/02/2011
Đến từ : Hòa Nghĩa- Cam Lâm-Khánh Hòa

Giới Trẻ Và Tự Do Empty
Bài gửiTiêu đề: Giới Trẻ Và Tự Do   Giới Trẻ Và Tự Do Icon_minitimeTue Mar 15, 2011 6:25 am

Giới Trẻ Và Tự Do

”Tự do“, một từ ngữ khá phổ biến và phổ quát. Nếu nói mạnh hơn để mổ xẻ nó thì nó thật hàm hồ. Biết bao nhiêu người đổ sức vào để nghiên cứu, định nghĩa về nó- kể cả những học thuyết về tự do (liberisme ). Mỗi người một cách nhìn. Tự do được mặc cho nhiều ý nghĩa, có khi đối kháng nhau. Vậy, ta thử định nghĩa “Tự do” là gì và rà soát lại thái độ của tôi, của mọi người, nhất là của lớp thanh niên (1)ngày nay.
Tự do: Là phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, hành động theo ý muốn mình trên cơ sở nhận thức qui luật phát triển của tự nhiên và xã hội.; Là quyền được được sống và hoạt động xã hội theo ý nguyện của mình, không bị cấm đoán, ràng buộc, xâm phạm. (2)
Thuyết Liberisme của Bergson: Tự do là căn cứ trên sự tự nhiên hiểu biết và suy tư, không tuỳ thuộc ý niệm không gian và thời gian.
- St Thomas:Tự do của con người lệ thuộc vào ý muốn của Thượng Đế. Chính vì Thượng Đế mà con người có tự do. Ý muốn ấy không huỷ hoại tự do, trái lại, nó làm nên tự do.
- Vatican II: Xét theo phẩm giá, mọi người, vì là những nhân vị nghĩa là có trí khôn và ý chí tự do cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình và phải tìm kiếm chân lý (3). Một tự do như thế được nhắm đến ngôi vị con người cách toàn diện: lý trí, ý chí và đời sống luân lý; chớ không chỉ hiểu là hành vi tự nhiên bên ngoài.
Trong khi thanh niên là lớp người đầy tràn khát vọng, sức khoẻ và sáng tạo, thì tự do đối với họ là cái cần thiết- nếu không muốn nói: không có tự do, họ bị mất đi cánh tay đắc lực. Thời “mở cửa kinh tế thị trường” cũng là thời bắt đầu sự khai phóng-cách nào đó- cho mọi người, cách riêng cho thanh niên. Đó cũng là thời làm quan niệm về tự do khác đi hoặc con người có tự do hơn. Nhưng là thứ tự do nào ? Đó có phải là quyền được sống, được nói, được làm theo quan điểm mình hay phải tự do trong một hàng rào nào đó, ít là tối thiểu ?
Nhìn vào cách sống của thanh niên, ta cũng đoán biết được phần nào suy nghĩ của họ về tự do. Vả lại, đa số những sinh hoạt thanh niên tiềm ẩn một thao thức muốn bộc lộ quyền hành động và như một diễn đàn, họ khẳng định khả năng về thao thức đó.
A. Ưu và Khuyết điểm
1. Thanh niên thao thức sống tự do
“Thời mở cửa”, kinh tế phát triển, nhu cầu nhân mãn nâng cao và văn hoá, trình độ học vấn cũng cần nâng cao. Trong khi tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thì đương nhiên tiếp nhận cả những trào lưu tư tưởng, văn hoá bên ngoài tràn vào. Ở Việt Nam, cách riêng là thanh niên, cần phải tự nỗ lực bắt kịp thời đại, với tư tưởng bên ngoài. Có thể cuộc chạy đua này làm thanh niên bị cuốn vào một môi trường nhộn nhịp nhưng rất “trống trãi “, thoải mái. Sự trống trãi này- dù tự thanh niên có ý thức hay không- họ mườn tượng đó là tự do.
Người thanh niên bước vào đời sống xã hội như một ước muốn tung hoành, có khi là sự bắt buộc. Tự do chọn nghề, tự do làm ăn, tự do quan hệ… Xã hội luôn khuyến khích tinh thần nhiệt huyết của thanh niên. Thành công trong đời hay người thanh niên thành công là người đem hết ước muốn của mình ra để cống hiến. Dĩ nhiên, ước muốn ấy vượt ngoài những cản trở. Tự do là nguồn khuyến khích người thanh niên cống hiến, sáng tạo. Tự do làm cho họ thích hơn, yêu đời hơn đối với những gì họ muốn làm. Nhìn vào cách sống của thanh niên cũng đủ thấy: họ muốn thực hiện điều gì là họ thực hiện cho được. Một cuộc sống dễ dãi, ít lệ thuộc; một cuộc sống sung túc, ít bị dày vò bởi túng thiếu; một cuộc vui thâu đêm mà không có tàn đêm; một cảm giác vi vút tốc độ trên vòng xe lăn bánh mà không cần nghĩ có hố sâu trước mặt ! Mà luôn luôn, dù tỏ ra rõ ràng hay không, vẫn là ước mơ của nhiều thanh niên thời nay. Nói như thế không để “vơ đũa cả nắm” nhưng để nói lên một hiện tượng, một trào lưu muốn thực hiện đời mình theo hướng hưởng thụ.
Khi dấn thân vào xã hội, người thanh niên thường nghĩ đến cái lợi trước tiên, mà hẹp hơn, là cái lợi cho chính mình. Điều đó vẫn đúng. Vì chẳng ai làm một điều gì mà không nhắm đến hiệu quả tốt. Hay nói theo kiểu hiện sinh thuyết vô thần: con người tự tạo chính mình. Tôi làm tôi hưởng, tôi chịu. Chẳng ai cấm đoán tôi làm điều này điều nọ. Xét về mặt nào đó, người thanh niên, nếu “dám chơi dám chịu “ là người có trách nhiệm với xã hội, gia đình. Nhưng cặn kẽ hơn, đó chỉ là những ngụy biện cho một thứ tự do rỗng tuyếch nếu không muốn nói là nô lệ cho những ràng buộc khác. Như khi muốn học một nghề, phải đổ mồ hôi hay uống một ly rượu cũng phải trả tiền, kể cả phải trả tiền cho bệnh tật kèm theo !
Đàng khác, trong quan hệ xã hội, điều nổi bật nhất vẫn là tình yêu. Tình yêu cha mẹ,, tình yêu đôi lứa. Và tình yêu như là điểm dừng lại trong đời người thanh niên. Chẳng ai ca tụng cái đau khổ của tình yêu, nhưng lại luôn tô vẽ cho cái “đau khổ ” của tình yêu. Càng thấy khổ, tình yêu càng đẹp… Thanh niên cũng sẽ thật đau khổ nếu không được tự chọn cho mình cái để yêu hay họ bị bỏ rơi sau những định chế của gia đình và xã hội. Tình yêu của họ, nâng họ lên trong nghề nghiệp, giao tế, địa vị. Họ có thể thăng tiến rất nhanh trong nghề nghiệp vì yêu nghề; họ có thể làm việc hăng say và xả thân có trách nhiệm cho xã hội vì thương người. Nhưng xét cho cùng là vì đã tự do chọn lấy điều họ thích. Họ có thể vì yêu mà làm được tất cả. Nhưng cũng hãy coi chừng những thái độ điên cuồng, vắn või, chiếm đoạt hay “tình yêu thời hiện đại “. Khi yêu, người ta vượt qua tất cả, vượt qua tất cả những gì bị coi là gò bó, nô lệ . Thanh niên không thích lắm những định chế hôn nhân. Vì có thể hôn nhân là mồ chôn tình yêu. Bởi thế, đôi bạn cứ sống thử trước đã rồi kết hôn! Sống một cách tự do, thoải mái -và có cả những luật bảo vệ việc sống chung trước hôn nhân cũng nói lên điều đó. Thanh niên ngày nay không thích kiểu yêu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó “. Nhưng họ luôn đi trước cha mẹ trong việc chọn bạn. Tự do mà! Họ có quyền chọn và chọn người mà họ muốn trao gởi cuộc đời. Và hơn thế nữa, họ có quyền từ chối người bạn mà họ đã ký ước khi thấy không hợp tình nữa hoặc, nói mạnh hơn, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu riêng tư.
Nhìn vào xã hội, luôn luôn, bằng nhiều cách, người thanh niên muốn tỏ bày khát vọng sống tự do. Đó là một hiện tượng “xưa như trái đất “, nhưng lại là bận tâm không ngớt của nhiều người, nhất là thanh niên. thanh niên cần đến tự do để phát triển mình, thực hiện ý muốn mình. Họ cần đến tự do để thấy mình còn trẻ, còn sung sức và “cuộc đời vẫn đẹp sao “. Nhưng là thứ tự do nào? Đâu là những giới tuyến của hạn từ “tự do “?
2. tự do mà người trẻ quan niệm:
Người trẻ thực hiện quyền tự do của mình khá đa dạng. Họ có thể thấy mình bị nhốt vào một quan điểm, một tôn giáo hay nghề nghiệp. Họ có thể thấy nghề của họ không “hợp lý “ hay buộc phải sống trong một xã hội, một gia đình “chẳng bằng người ta “. Nhưng luôn luôn, tự căn bản, ý thức về tự do của họ luôn là điều tốt, ngoại trừ cách thể hiện đi sai với ơn gọi làm người mà thôi.
Sẽ đến một lúc nào đó, người trẻ bắt đầu đặt lại vấn đề: tại sao tôi lại là người có đạo này, đạo nọ và phải giữ những luật đạo đôi khi “khắt khe “ đối với họ. Có rất nhiều thanh niên không còn ý thức việc mình là người thuộc về tôn giáo nào. Họ phản kháng và chê bai sự “già nua, ấu trĩ “ của những kẻ sùng đạo. Nói chung, họ thấy mình tự do hơn khi không cần -hay không tin- một cặp mắt của Đấng vô hình theo đuổi hành vi của họ. Hoặc nơi một số thanh niên, tôn giáo được quan niệm như một sự bù trừ những lỗ hổng của đời sống tinh thần; hoặc như một sự che đậy khát vọng thoát ly của họ trước mặt mọi người. Tôn giáo không còn là một nhu cầu cần thiết thật sự. Người thanh niên suy tính rằng: khi bước vào môi trường tôn giáo, thì đồng nghĩa họ phải gạt đi những gì mình sở hữu. Tất nhiên là họ có quyền sở hữu. Như thế, tôn giáo đối với họ được xếp sau cùng trong những bận tâm về mình, về xã hội. Nói khác đi, tôn giáo làm cho họ mất đi cái tự do mà họ đương nhiên có, kể cả cái đương nhiên được lý luận đi từ “quyền cơ bản của con người “.
Đó là một hiện trạng của những lối sống như những thách đố đặt ra cho các nhà giáo dục tôn giáo và xã hội. Nhưng lại không thiếu những lớp người trẻ tự nguyện và tự hào thật sự nhận mình là người có tôn giáo, có lý tưởng. Tôn giáo đối với họ có giá trị vô song và giúp họ tiến xa hơn trên đường sự nghiệp. Họ tin tưởng đời sống tôn giáo mang lại cho mình sức sống mãnh liệt và thật sự thấy mình được tôn trọng, được săn sóc và nói chung, họ thấy mình tự do hơn. Đời sống của họ không đượm u buồn nhưng rất tươi vui, rất mới mỗi ngày và giúp họ bước vào xã hội vững vàng hơn.
Xã hội nào cũng có ít là một thể chế chính trị. Thanh niên ngày nay có vẻ dửng dưng với chính trị. Có thể họ thấy thời mở cửa (thời bình ) có nhiều điều phải bận tâm hơn là dấn thân theo đuổi một quan điểm chính trị nào. Tự do đối với người thanh niên không còn là chuyện giải thoát, giải phóng khỏi bàn tay đô hộ mà mình lệ thuộc nữa. Tự do của họ bây giờ là lệ thuộc hay không lệ thuộc vào môi trường văn hóa, kinh tế, gia đình và xã hội. Quan điểm tự do của người trẻ Việt Nam hôm nay khác xa thời chiến tranh. Họ không còn thấy lý tưởng tất yếu là phải vào Đoàn- Đội … để xây dựng cuộc đời. Đối với họ, lý tưởng này không còn là mối bận tâm duy nhất để dấn thân hay không còn ràng buộc như “đồng tiền bát gạo” (thời Hợp tác xã) vào thời sau giải phóng (từ sau 30.4.1975 đến khoảng năm 1990 ). Ngay cả hệ thống giáo dục Đại học (Sư phạm, Bách khoa, Tổng hợp và Nhân văn ) cũng đã xếp môn lịch sử Đảng vào hệ thống nhiệm ý (quyết định từ năm 1997 của Bộ GD-ĐT). Như vậy, lý tưởng chính trị trở thành đối tượng mà con người trong xã hội này có thể tự do chọn để làm nền cho hướng đi của mình. Tuy cũng có những bạn trẻ đã chọn cho mình “lý tưởng cách mạng “ hôm nay như một con đường tiến thân phục vụ. Rất đáng phục vì sự liêm chính và công bằng của họ.
Một mặt, cho dù còn hạn chế, diễn đàn người trẻ hôm nay khá rộng. Họ có trong tay những dụng cụ ngôn luận: Thư điện tử, blog cá nhân, báo Tuổi trẻ, Tuổi trẻ cười, Thanh niên thứ bảy, Thanh niên cuối tuần và hầu hết các báo khác đều có khuôn mặt của người trẻ. Trong đó, họ được cống hiến lời nói, kiến thức, suy tư của mình rất rộng mà sự kiểm duyệt bớt khắc khe hơn so với trước đó.
Bước vào môi trường gia đình và nhìn ra những giao tế xã hội, người thanh niên luôn có ý thức và tỏ hiện ý thức cách khai phóng, tự do chọn lựa. Đôi khi, họ phản kháng cả những ý thức hệ văn hóa của dân tộc mà họ cho là già nua, không hợp thời. Đúng, họ có lý khi đụng phải những lễ giáo không hợp với nhân vị nhưng họ quên rằng, cũng có những giá trị văn hóa dân tộc mà chẳng ai có thể thay thế một trào lưu “ngoại nhập” nào. Ví dụ: báo hiếu, lễ phép, chung thủy. Dẫu sao, những phong tục tập quán dân tộc hay gia đình đã gây một sự gò bó đáng tiếc cho một số người trẻ có cảm thức tự do theo kiểu “gạt cũ thủ mới “. Khi đến tuổi “cặp kê “ thì điều họ ước mơ đầu tiên có lẽ là tự do yêu thương. Họ có thể chọn cho mình người lý tưởng theo ý mình (chứ không là ý của cha mẹ). Yêu và yêu. Người trẻ có tình yêu nồng cháy. Họ muốn làm vỡ tung quả đất chỉ vì yêu. Nếu có ai cản lại và khuyên họ: đừng yêu chàng (hay nàng) trong khi họ đã yêu thì đừng hòng mong. Năm 1996, một Lê Công Tuấn Anh (diễn viên điện ảnh đang lên) tự kết liễu đời mình chỉ vì môn đăng không hộ đối. Cái chết ấy làm cho người ta bàn tán là do điên cuồng. Nhưng thực ra có ai nghĩ rằng đó là hành vi phản kháng và muốn nói rằng: Tôi có quyền yêu ? Đúng. Người trẻ muốn có tình yêu cách tự do. Nhưng thứ tự do do đôi khi ở phần đông lờp trẻ lại hạn hẹp. Trong tờ bào Tuổi trẻ Chủ nhật, tháng 10 năm 1996, có đăng một thống kê ngoạn mục nơi một số xí nghiệp mà phần lớn là công nhân trẻ. Khi được hỏi bạn sẽ chọn ý trung nhân theo tiểu chuẩn nào? Hơn 60% trả lời ngay: 1-2-3-4. Nghĩa là: một vợ- hai con- nhà ba lầu- xe bốn bánh ! Lý tưởng tự do ở đây hướng theo chiều hưởng thụ, thực dụng. Còn những giá trị tinh thần khác thì bị liệt vào hàng thứ yếu.
Vả lại, những nơi khác, ta sẽ gặp những bạn trẻ rất tự do khi tự khép mình vào nếp giáo dục gia đình hay những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc. Và kể cả có những bạn trẻ tự nguyện trao tặng đời mình cho một lý tưởng tôn giáo mà vẫn tươi tắn, tự do. Họ quan niệm tự do là muốn dấn thân như một điều tất yếu và không có một cản trở nào (nội tại, ngoại tại) khi họ dấn thân. (4)
Nhìn từ một khía cạnh khác, người trẻ thường khẳng định mình. Rất hiếm khi họ thấy hành vi của họ sai lầm. Các bậc làm cha mẹ, hay những nhà giáo dục, đa số là những người thường nhìn thấy cái sai của trẻ hơn hết. Còn lớp người trẻ, có lẽ cái sai mà họ nhìn thấy luôn là “chẳng đáng chút nào “. Điều muốn nói ở đây là lớp trẻ cũng có tiếng nói tốt vọng lên từ đáy sâu lòng họ. Cũng thật là khó xử khi chọn lựa một điều mà bị tiếng vọng ấy giằng lại, sinh ra áy náy ! Đối với hành vi bên ngoài, trẻ bị mất tự do hơn vì chịu liên lụy môi trường khách quan (bị người khác nhìn ngó chẳng hạn) thì cái tự do bên trong, cái suy tư thì tha hồ tự do. Vì có phạm tội trong ý tưởng thì chẳng ai biết được. Ay thế, người ta chú trọng đến việc giáo dục tự do tư tưởng sao cho người trẻ suy tư đúng hướng là điều cần vậy. Trong khi đó, người trẻ, cộng với sức khỏe sáng tạo, đi rất nhanh trong các luồn tư tưởng, vượt xa các bậc cha anh cùng thời điểm. Tự do suy nghĩ, chẳng ai cấm. Nhưng người trẻ như bị khựng lại bởi trách nhiệm, khuôn khổ nghề nghiệp, gia lễ ( mà ta chỉ biết họ suy nghĩ thế nào qua biểu hiện bằng lời, bằng hành động mà thôi). Có nhiều người trẻ có nhạy cảm với tiếng nói từ bên trong này. Lương tâm họ rất sáng sủa và tự do. Hành vi tốt thường đi từ suy nghĩ theo hướng tốt. Họ đã chọn cách tự do tự nguyện theo tiếng nói lương tâm. Nhìn chung, thanh niên thời nay suy nghĩ, ăn nói mạnh dạn hơn, tự do hơn những năm tháng sau chiến tranh. Họ cảm thấy mình được xã hội cần đến. Nhưng cần đến mức nào và tiếng nói của họ (tự do ngôn luận, tự do chọn nghề, tự do hành động) có thực sự được tôn trọng và họ có thức sự có tự do không thì tùy vào cách nhìn mỗi người. Cần nhìn thẳng vào vấn đề với thực chất của nó hơn là đánh giá trên hành vi, biểu hiện, lời “hô hào “ trống rỗng.
3. Tự do thực sự của thanh niên ngày nay
Thời nào cũng có những rào cản của tự do. Nhưng luôn luôn có những người sống với sự ràng buộc mà vẫn tự do và tự do hơn ai hết. Chúng ta thử phân tích hiện trạng tự do của người thanh niên sống trong xã hội này, một xã hội bắt đầu bị “lai căng” bởi xã hội tư bản. Tự do có phải là một việc làm, một nếp nghĩ hoàn toàn theo nhu cầu nhân mãn của mình và gạt ra tất cả những định chế khác của cá nhân, của xã hội ? Khi nhân danh tự do để hành động thì đó có phải là một thứ tự do mà tôi làm chủ hoàn toàn, kể cả việc tôi “là “ nên tôi có quyền ? Nghĩa là, vì tôi là người nên tôi có đủ quyền một con người; Tôi là một công dân, tôi có đủ quyền công dân. Tôi hoàn toàn có tự do hành động, tự do muốn (kể cả muốn mặc những giá trị nào đó cho sự vật khách quan) mà chỉ có tự do nảy mới thực sự là tự do ?
Ngày nay, người ta nhạy cảm với vấn đề hiện sinh. Khi nói đến con người thì chính con người thực hiện những giá trị mà mình tạo ra. Con người tự quyết định cho định mệnh. Và cái ta chọn chẳng qua là ý thức ta về hoàn cảnh đó trong khi nó là kết quả của ý thức. Cái ta chọn không là lý do để ta chọn mà là chính ta ý thức. Nói khác đi, sự vật chỉ có ý nghĩa khi ta chọn chúng. Như thế, con người hoàn toàn tự do, không lệ thuộc bên ngoài, kể cả Thượng Đế. Nhưng theo những người theo quan điểm hiện sinh thì hành động của con người luôn phi lý. Lòng con người vô hạn, chẳng bao giờ lấp đầy được. Tự do của con người cũng chỉ là cái gì trống rỗng mà con người muốn làm đầy tràn, nhưng vô vọng. Trong khi con người lại muốn có thứ tự do ấy.
Thực ra, lý luận tự do theo kiểu hiện sinh như thế vẫn chẳng có tự do hoàn toàn. Khi tiến lên một bậc trong kiến thức, họ phải vất sau lưng những sở hữu khác như tiền bạc, sức khỏe… Hoặc muốn chọn một người bạn như ý thì tự căn bản, họ phải từ bỏ “một ít “ cá tính riêng tư của mình, thời gian riêng để gặp gỡ và kể cả những suy nghĩ về các bận tâm khác để chỉ nhớ đến một người. Vì tự thân hành vi tự do luôn là hành vi của sự chọn lựa. Chọn điều này (hay tự nguyện) bỏ qua những điều khác. Ngay cả khi họ hưởng thụ cảm giác lâng lâng (hút sách, rượu chè) thì cũng đang bị nô lệ bởi chính phương tiện đó rồi ! Hay khi chọn làm gì thì làm nhưng không thể chọn cho mình thời nào, năm nào để tôi có tự do. Năm 2000 đến, chẳng ai đủ tự do để chọn tôi phải sống qua năm ấy. Con người còn có qua nhiều lệ thuộc. Lệ thuộc tự trong căn bản. Năm 2000, tôi có muốn hay không nó vẫn sờ sờ tiến đến. Tôi không thể chận nó lại để hưởng cái hiện tại.
Một xã hội mệnh danh là tự do “hết cỡ “ thì không chắc loại bỏ mọi ràng buộc cho chính tự do đó. Xã hội tư bản nỏi tiếng là dân chủ, nhưng thử hỏi con người sống trong đó thực sự thoải mái không? Lao động thì bị ràng buộc bởi nhiều thứ thuế (thuế nhà, thuế đất, thuế điện, thuế doanh thu, thuế an sinh, thuế thất nghiệp); Đi ra đường thì phải đi bên nào, tốc độ nào; Ở nhà thì phải tranh thủ công việc nội gia. Ngay cả những vị có tiếng tăm, chức vị lớn cũng phải canh chừng sự nhìn ngó của báo chí. Con người trong thế giới công nghiệp phát triển cao bị buộc vào cỗ máy mà càng hiện đại bao nhiêu, họ càng phải chạy theo tốc độ bấy nhiêu. Thế mới hay, có ai bảo “thế giới Mỹ là thiên đàng “ ! Vấn đề “mở cửa kinh tế “, thanh niên thực sự bị lệ thuộc rất nhiều điều khi họ nói là họ có tự do . Khi nói đến tự do, người ta thường hiểu về hình thức sơ đẳng nhất và vật chất của tự do. Sự tự do này thật ra chẳng mang nét đặc thù nào của con người cả: đó là sự tự do thể lý, nghĩa là không bị ngăn trở; Đó cũng là sự tự do của con thú hoang, của chim trời…Đã hẳn sự tự do này là sự tự do căn bản, nhưng nó là căn bản vì nó là hậu quả và là bảo đảm bên ngoài của một sự tự do thật sự bên trong, đó là là khả năng tự quyết của người trẻ. Hơn nữa, hai thứ tự do này rất có thể có mặt cách riêng rẽ trong các trường hợp đặc biệt. Một tù nhân chính trị vẫn còn tự do về mặt suy tưởng. Ông bị xiềng xích nhưng rất tự do (vì tự do chọn lý tưởng mình) hơn là tên cai ngục phải làm tay sai cho người khác dù không bị xích. Như thế, chỉ có tự do bên trong, tức tự do tâm lý mới là của riêng con người, nhờ đây mà con gười xây dựng được chính mình.
Như ta thấy, xét về mặt thể lý thì luôn luôn, người trẻ nhận được sự tự do rất giới hạn. Càng đi vào chiều kích tinh thần hiều hơn, người trẻ bắt đầu thấy mình tự do hơn cả. Đó là khi tự nguyện cống hiến cho xã hội họ thấy tự do hơn khi họ lao mình vào môi trường “ăn chơi thỏa thích “. Đó là khi, cao hơn nữa, lý tưởng của họ gắn chặt với những gía trị tinh thần (đạo hiếu, gia lễ, huynh đệ) và tôn giáo, họ đã gặp được hạnh phúc cho mình. Ngược lại, một khi chối bỏ sự thật về mình thì họ đánh mất tự do mình đang có. Giới trẻ cảm thấy mình tự do hơn khi đi vào qũi đạo đời sống tinh thần, thần linh. Qũi đạo tự do của một Đấng siêu việt nào đó vì Ngài là cội nguồn của tự do. Đấng ấy, bằng nhiều cách diễn tả, các tôn giáo đã nói đến.. Nói cách khác,con người có tự do thật sự khi chọn cho mình điều tốt mà Thượng Đế muốn.(5)
Nói như thế không phải để nói rằng nơi môi trường khác, ngoài tôn giáo là không có tự do thật sự; Nhưng là để nói rằng: tự do người trẻ sẽ gặp thấy mọi nơi, tùy mức độ và đó là thứ tự do mà khi hành động theo điều thiện ( ít là từ tiếng nói lương tâm) mà không gặp một cản trở (ngoại tại), áy náy (nội tại) nào. Đó là thứ tự do của lương tâm, của đức ái. Một sự tự do thật sự làm thăng tiến con người.
B. Giáo dục về tự do cho thanh niên
Về phương pháp giáo dục tự do cho người trẻ, xin được nhường lại cho các chuyên viên về giáo dục và tâm lý. Trong khuôn khổ bài viết này, vì là những suy tư trên kiến thức hạn hẹp của cá nhân nên chỉ để cập đến việc giáo dục như là một ý hướng, một thao thức, một ước mong, một đề nghị khiêm tốn hơn là những phương pháp nhằm áp dụng giáo dục thanh niên. Vì lẽ đó, xin mạnh dạn có một vài ý tưởng như sau:
1. Luật và tự do.
a. Mất tự do vì có luật
Khi nói đến tự do thì người ta mườn tượng ra “đối tác“ của nó là lề luật. Luật làm cản trở tự do con người ! Đó là luận điệu khá mơ hồ. Nhìn từ bên ngoài thì đúng thật. Con người có thể bị ràng buộc bởi luật (luân lý, xã hội, lương tâm, tôn giáo). Nhưng thật ra, quan trọng và đúng nghĩa hơn, tự do hay không là một chọn lựa từ ước muốn trong lý trí, ý chí, ý niệm của con người chớ không chắc tự do chỉ là sự bó buộc hay không về thể lý (như đã trình bày). Nếu nói mất tự do thì là thứ tự do có được về ngoại lý và không chắc mất hẳn tự do. Mà trái lại, tự do thật sự phải là hành vi thuộc nhân linh: tình cảm, lý trí, ý chí. Một thân xác bị tù nhưng tâm hồn vẫn thanh thản. Một vị tử đạo “mất tự do “ tột độ vì giữ luật đức tin nhưng họ lại hạnh phúc hơn cả những người cầm quyền sát sinh. Con người thật sự không mất tự do khi trân trọng với lề luật. Xét cho cùng, tự tại con người có bản vị. Tự thân, con người không có tự do. Vì ta không thể cưỡng lại những điều muốn và không hoàn toàn quên những thất bại đã trãi qua. Con người luôn bị ràng buộc với chính mình. Ngay cả khi làm một điều thiện, con ngưòi vẫn còn để ẩn trong việc đó một cái “ác “. Ví dụ: bố thí là một cách thế khoe mình nào đó! Và lại, con người có chiều đi vào thỏa mãn. Kinh thánh với câu chuyện Eva mà Hégel cho đó là phóng thể; Kierkegaard xem đó là một ngõ tối mà con người không hy vọng thoát ly; các nhà xã hội cho đó (thân phận, bản ngã) là ý thức hệ chi phối và tâm lý gia lại cho đó là tình trạng mặc cảm trong chúng ta. Vậy, có ai bảo rằng tôi mất tự do bởi người ta đã “cưỡng “ tôi phải giữ những điều luật ? Không, tôi không mất mà lại được tự do hơn cả, nếu tôi biết cám ơn Đấng Tạo Hóa đã cho tôi một thân xác và đón nhận lịch sử của nó. Tôi là người chưa hiểu tôi hay tệ hơn, vô ơn đối với Đấng Tạo Hóa và các bậc sinh thành khi tôi than thân trách phận “bọt bèo “ của tôi.
b. Luật làm thăng tiến tự do.
Luật luân lý, luật lương tâm, luật xã hội và luật Thiên Chúa luôn là để hướng dẫn đời sống con người và luôn hợp với cách mà con người hiện hữu, với cơ cấu căn bản mà Tạo Hóa đã xây dựng nên. Luật đem lại một trật tự cho con người, từ tình cảm đến ý chí và lý trí. Người ta có thể hiểu luật là nghĩa vụ đối với bản thân, thì chẳng qua người ta muốn dùng luật để hành động của mình không bị chệch hướng (như một điều họ muốn vịn vào khi hành động) và thực hiện tự do của mình, mà tự do đáng kể nhất vẫn là tự do của nhân linh. Người ta có thể bỏ luật này luật nọ khi nào chúng không con phục vụ con người, chặn con người lại trong chiều hướng phát triển nhân linh. Ngay cả trong xã hội, người ta vẫn nhắm đến chiều hướng phát triển kinh tế, giáo dục xã hội cho con người khi bỏ một điều luật, chớ không phải chỉ do sự độc tài của một thể chế. Nếu có thì rất hiếm và đó là hành vi phi nhân bản. Ở đây không bàn đến ý thức hệ này.
Đừng hiểu tự do cách chung chung về mặt thể lý. Vì như thế thì luật lệ trở nên một gánh nặng cho người trẻ. Nhưng hãy nhìn bao quát hơn, từ mọi khía cạnh và môi trường sống thì người trẻ sẽ được khuyến khích bởi việc giữ luật. Đã có những trường hợp hành vi tự do thật sự, và có thật sự, khi người giữ luật một cách bình an, tự nguyện, nghĩa là với lý trí (có tự do chọn lựa) và ý chí (muốn đạt hạnh phúc do thực hiện việc chọn lựa đó). Hơn nữa, họ yêu thích những luật lệ vì chính luật xác định họ là ai và họ sẽ làm gì. Tức là họ được định hướng hành động bởi luật. Người Kitô hữu được gọi là Kitô hữu khi thi hành luật bác ái (6) Luật xác định gía trị của con người. Tựu trung, con người là người hơn khi giữ luật cách tự do. Luật không giết chết tự do con người. Nơi Kitô giáo, luật được định tín từ Thiên Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa. Đó là luật sự sống, luật tình yêu. Mà nơi Đức Kitô, con người trở nên trọn vẹn nhờ được gọi vào sống trong môi trường ân sủng. Môi trường ấy không còn gọi là “môi trường luật” mà là môi trường tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, không còn những trái ngược giữa tự do và luật khi mỗi người thực hiện tình yêu cách tự do mà chính Thiên Chúa muốn. Nói khác đi, chỉ có nơi Thiên Chúa, ta mới thực hiện tự do của mình trọn hảo.
Phần nhiều, tự do ngoại tại bị chi phối bởi hành vi nhân linh, từ phía bên trong. Để một người có hành vi tự do đúng, cần giáo dục từ trong ý hướng, tư tưởng. Những hành vi thuộc nhân linh nói lên con người đó có tự do hay không. Và công việc giáo dục ấy cần bắt đầu đi từ chính người trẻ, ý thức của môi trường xã hội và cộng đồng.
2. Trách nhiệm cá nhân
Không thể có một hành vi sai trái không có đối tượng. Hành vi nào cũng qui trách về một hữu thể (7) . Một chủ thể được biết như là một ngôi vị vẹn toàn với xác và hồn. Không thể nói cách chắc chắn: “cha ăn mặn, con khát nước “. Nhưng trước tiên, hãy đánh thức trách nhiệm cái tự do muốn nơi người trẻ, qui về mình hơn là buộc phải là của mình. Điều này xin nhấn mạnh đến ý thức sử dụng tự do như thế nào hơn là qui trách một hệ quả đã rồi. Tự do của tôi chỉ bắt đầu là tự do thật sự khi tôi không còn lãnh đạm nữa, khi tôi bước tới và lựa chọn một trong những khả năng đang trãi ra trước mắt. Tự do của tôi có chính là tự do làm nên quyết định, tự do đưa tay chọn. Nó phát xuất từ chính bản thân tôi, bắt tôi dấn thân và chấp nhận những liên lụy. Bởi vì chẳng có ai khácngoài tôi là nguyên nhân của quyết định ấy. Đó chính là tự do nằm bên trong mọi hoạt động con người, làm cho hoạt động con người có gía trị hay không.
Xét về mặt hữu thể, chính cá nhân phải tự gánh lấy những chọn lựa của mình. Nên chi, để giáo dục tự do cho người trẻ, cần nhắm đến từng người trẻ với cá tính của họ và với sự trưởng thành về thể lý và nhân cách. Không thể trình bày cùng một kiểu nói cho mọi người trẻ cũng như không thể xét đoán nhu cầu tự do của họ cách chung chung Giáo dục về tự do, vì thế, nếu được trình bày như một ý thức hệ thì dễ làm người trẻ hiểu rằng tự do là của người khác, còn chính họ lại lệ thuộc vào đó (Đành rằng tự do con người phải được hiểu trong tương quan liên ngã vị- tương quan xã hội-, nhưng tự do trước tiên cần được xây dựng trên một ngôi vị hẳn hoi, trong những tương quan mà chính chủ thể ấy đòi hỏi). Ở một khía cạnh khác, người trẻ có khuynh hướng thỏa mãn với tự do của họ. Họ biết đâu rằng: khi thỏa mãn với tự do thì không còn tự do nữa. Tự do chọn lựa mà chẳng biết rằng tự do chọn cái mất tự do. Ví dụ: Tôi không cần được cứu sống, không sợ hãi, tôi thanh liêm không theo một ai, không để tình cảm bị lệ thuộc. Vậy, tự do ở đây là gì, có phải là cái ngã của vô ngã chăng ? Khi hành động tự do, chưa chắc họ thấy tự do từ trong ý thức. Vì khi hành động, họ đã bị buộc vào một điều khác nếu đó không là thái độ tự nguyện.
Hơn thế nữa, người trẻ cần hiểu rằng: không thể có tự do thật khi gạt ra bên lề những điều kiện ( tự thân các điều kiện của hành vi tự do tự nó là sự ràng buộc !) hay chối bỏ đi ý thức về tôn giáo (sự quan phòng của Thiên Chúa). Sức lực và trí tuệ của người trẻ dễ dàng gạt Thiên Chúa ra một bên mà theo đuổi sự sáng tạo của mình, không cần nại đến một nền tảng nào. Họ hành động theo qui luật tự mình đặt ra. Thật là nguy hiểm và vô ích nếu không nói là hảo vọng. Đằng khác, có người trẻ lại muốn liên hệ với Thiên Chúa, vượt lên trên cả ngôn ngữ mình để trang hoàng cho cái “Hữu Tuyệt Đối “ hơn là nhận sự “Hữu “ ấy để nói lên hành vi tự do đó thuộc về mình thì thật sai lầm. Chúng ta nói chung, người trẻ cách riêng, đều là những con nợ của hành vi tự do yêu thương của Thiên Chúa. Nếu muốn nói cho trẻ hiểu họ có tự do, thì ở đây, tự do của họ là làm chủ tư tưởng và hành động cách tương đối (như một tùy thể) hơn là tuyệt đối. Vì làm chủ cách tuyệt đối tức là không liên hệ tới ai cả. Tư tưởng nghĩ và thực hiện không cần Thiên Chúa can thiệp. Điều này ta thấy nơi những người vô thần tuyệt đối hay vô thần dững dưng (có đạo mà không giữa đạo), nhất là nơi người trẻ háo thắng. Đối với họ, Thiên Chúa chỉ là một phương tiện để họ tự do suy tư và hành động. Ở đây, cần cho người trẻ thấy những giới hạn của con người, giới hạn từ những sáng tạo của tư tưởng đến việc làm, và bị lệ thuộc cách căn bản từ trong hữu thể về tự do của họ. Họ không thể tìm được một điểm tựa “Archimède “ ngoài vũ trụ để nâng quả đất lên và cũng chẳng bao giờ là vị “chúa “ tuyệt đối cả. Họ chỉ thực sự có tự do và tự do đúng nghĩa khi đi vào qũi đạo cái nhìn của Thiên Chúa về họ. Đó là một tương quan không thể thiếu mà có thể họ chưa nhận ra, như ở các tôn giáo hoặc tín ngưỡng ngoài Thiên Chúa giáo chẳng hạn. Tương quan đó dẫn hành vi tự do người trẻ đến với liên hệ ngã vị giữa họ và Thiên Chúa, giữa họ và đồng loại hay vạn vật- mà tự thân, đã là người thì phải có.
3. Giáo dục cộng đồng
Giáo dục cho người trẻ, một mặt cần nhắm đến từng trường hợp cụ thể, mặt khác, cần đặt người trẻ vào những quan hệ xã hội, gia đình, trường học. Nếu chỉ co cụm trong một thế giới riêng tư- đành rằng thế giới này rất đáng trân trọng mà bỏ qua các quan hệ ngoại tại thì có thể ý thức tự do của người trẻ bị què cụt, lệch hướng, chỉ hành động vì sự tự do đó có lợi cho chính họ.
Người trẻ chỉ có tự do đúng nghĩa khi hành vi của họ tách ra khỏi mình (thực ra có hành vi nào mà không tương quan đến người khác, bằng cách này hay cách khác ?) và hướng tới người khác với mục đích tốt được. Nếu hướng tới mục đích xấu thì hành vi người trẻ hầu hết là ích kỷ, tự tôn, hưởng thụ cho mình. Và như thế, người trẻ bị lệ thuộc bởi mục đích đó theo ý muốn xấu của mình. Tất nhiên là không có tự do.Thực tế cho thấy người trẻ tự nguyện làm một việc tốt thì chính tự do tự nguyện của họ (thực ra điều thiện nào cũng đòi họ phải từ bỏ, nên phải có tự nguyện) xây dựng tự do chọn lựa của họ theo hướng thiện. Giáo dục người trẻ về tự do là giáo dục theo hướng thiện này chớ không tập trung vào sự hưởng thụ, bám víu vào những phương tiện chỉ làm bổ ích cho chính chủ thể. Đó là việc giáo dục không nằm ở một số người nhưng của toàn xã hội. Giáo dục như thế mang tính tích cực: hướng tư tưởng tốt về người khác và người khác. Tạo điều kiện cho người trẻ phát triển, nghĩa là để người trẻ tự chọn những hành vi của mình cách vị tha, vô cầu, chứ không buộc người trẻ phải theo cách này cách khác (vì sợ như thế có thể làm mất tự do của người trẻ chăng ?)
Như đã nói, hành vi nào cũng có tương quan ít nhiều tới tha nhân. Xã hội khi định hướng cho sự phát triển của mình, trước tiên hãy hiểu rằng có những liên hệ không thể phớt lờ đối với việc phát triển nhân phẩm và quyền tự do của người trẻ. Đành rằng, định chế nào cũng nhắm đến việc phát triển cộng đồng, nhưng luôn luôn cộng đồng đó phát triển là do những nỗ lực của các nhân. Không thể lấy lý tưởng phát triển cộng động theo hướng phục vụ cho một nền chính trị hay học thuyết nào, nhưng nhằm tạo điều kiện cho mỗi cá thể phát triển bằng cách tự do chọn cho mình hướng thăng tiến nhân phẩm và quyền căn bản của con người. Ở đây chính là tự do của họ, một tự do chỉ được phát triển đầy đủ trong các tương quan và phục vụ vô cầu.
Cộng đồng mang trách nhiệm xây dựng cá thể, cũng như gia đình là những cộng đồng thu nhỏ, càng cần có trách nhiệm và chăm chú hơn đối với tự do người trẻ. Chúng ta không thể cung cấp các phương tiện sống một cách tự do( vì của cải là của tôi mà!) nhưng hãy nhắm đến điều kiện cần cho việc phát triển chọn lựa đúng của người trẻ. Có nhiều gia đình phải “tan gia bại sản “ cũng vì thiếu sự giáo dục hay bỏ quên việc giáo dục trẻ chọn lựa đúng. Nhu cầu và quyền tự do của trẻ không ai có thể ngăn cấm- và thực tế chẳng ai cấm nỗi một khi người trẻ tự do phung phí vô bổ, sa đà sức lực và tiền của- nhưng hãy trao cho trẻ những điều kiện, phương tiện, bất chấp cả những thiệt thòi, mỗi khi chúng có ích là làm cho trẻ phát triển thành “người “ hơn. Đó là phương cách giáo dục tích cực. Trong khi thực hiện quyền tự do yêu đương cũng thế, người trẻ có khuynh hướng đi đến thỏa mãn tình yêu, trong khi họ lại phải vượt qua những điều cấm kỵ. Cấm kỵ, đúng, nhưng đừng làm cho nguời trẻ cảm thấy bức xúc, tù túng, lúng túng quá đáng khi có quan hệ yêu đương nam nữ. Và như thế có thể đẩy người trẻ đi vào bóng đêm của sự lén lút, gian dối và yêu đương mang tính cơ hội. Hãy tạo điều kiện để trẻ trưởng thành hơn trong quan hệ tình yêu. Bằng cách: tôn trọng trẻ, cẩn trọng, không ép uổng, tạo điều kiện gặp gỡ đàng hoàng, thẳng thắn; giúp trẻ tập tự chủ, chừng mực, giữ nề nếp gia phong nhẹ nhàng, tôn trọng nhân phẩm bạn mình, phán đoán vị tha và tự do chọn lấy tiếng nói của lương tâm, của những giá trị truyền thống, tình yêu và gia đình, những giá trị tôn giáo.
Thiết nghĩ, người trẻ một khi chọn lựa đúng, chọn lựa điều tốt thì đó là phương cách trưởng thành của người trẻ. Tự do lúc này của người trẻ là một sự tự do mà trẻ yêu thích hơn cả, nó vượt qua những luật lệ “buộc “ mà vẫn thấy tự do.
Lời kết.
Một xã hội thiếu vắng nét trẻ trung là một xã hội đáng buồn. Một người trẻ bị “già nua trước tuổi “ bởi những chọn lựa tự do vô bổ sẽ có nguy cơ làm nổ tung một tương lai. Không ai có thể nhắm mắt làm ngơ trước hiện trạng một thế hệ trẻ bị chôn trong ngục nô lệ. Nô lệ cho thú vui ích kỷ, nô lệ cho guồng máy xã hội, nô lệ cho những trào lưu hưởng thụ điên cuồn. Chúng ta thông cảm cho những cái sai của người trẻ không vì một sự lỡ lầm của trẻ, nhưng hãy vì chính chúng ta. Phải mang lấy trách nhiện gột rửa những cái sai ấy. Những cái sai lầm, có thể không phát xuất từ người trẻ mà phát xuất từ những người đi trước: hoặc là những gương xấu, hoặc là những gương tốt “ gây hiểu lầm, hoặc là sự vô tâm. Trái lại, chúng ta không bênh vực cho cái sai của trẻ mà là đánh thức trẻ biết sử dụng tự do của mình sao cho chính đáng và thế nào mới có tự do thực sự. Đó là thứ tự do mà ở đây, thay cho lời kết, xin mượn lại một số ý tưởng của các văn hào để diễn tả:
“Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta đồng thời bị liên hệ mật thiết với thế gian mà không thể gỡ ra được. Sống tự do là sống với:
Tôi sở hữu nhưng đã bị ràng buộc với những gì tôi sở hữu, nên tôi chỉ có tự do khi có vì người khác(Cool
“Hãy có của cải như không có “ (9)(Sở hữu tự do của tôi như là tự do ấy được dành cho tha nhân).
“Cứ trao tặng tự do của tôi cho người mà không chờ kết quả” (10)
“Hãy hành động như không hành động “ (11)
Người trẻ sẽ nắm quyền điều khiển tương lai xã hội. Họ sẽ mặc sức tự do muốn và tự do hành động. Giáo dục, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người trẻ trưởng thành hơn cái tự do của họ là mối bận tâm cho mọi người mà đôi khi người ta đã bỏ quên đàng sau những cuộc lễ hội hè vui nhộn và bận tâm kinh tế gia đình. Hãy chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời từ cái bên trong, cái làm cho họ là họ.
Các trích dẫn tham khảo:
1. Xin dùng danh từ “Thanh niên” để chỉ cách chung cho “Thanh niên thiếu nữ”, là lớp “người trẻ” tuổi. Cf. Tân tự điển, Thanh Nghị xuất bản, 1967
2. Đại từ điển tiếng Việt, nxb VHTT, 1999
3. Vat.II, Dignitatis Humanae, No 2
4. Lm Cao Văn Đạt, Tâm lý triết học, mục B, tr.96)
5. St Thomas
6. Ga 13,35
7. Lm. Cao Văn Đạt, Tâm lý triết học, tr. 56
8. Aristippe.
9. St. Paul
10. Kinh Thế Tôn Ca
11. Lão Tử
lm Pet.
Hồ Đức Thắng
Về Đầu Trang Go down
 
Giới Trẻ Và Tự Do
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Mùa Thường Niên - Cầu cho việc rao giảng Tin Mừng cho các thế hệ trẻ :: Giáo xứ Vạn Giã :: Giới trẻ :: Học sinh-
Chuyển đến