Xin Mẹ Dạy Con Chữ Yêu
Trần Mỹ Duyệt (nguồn thanhlinh.net)
"Cứ mỗi lần mẹ nghĩ đến bố con là mẹ lại thấy thương bố con quá! Khi còn trẻ thì vất vả. Đến khi con và các em khôn lớn thì lại ra đi!".
Trên đây là điệp khúc mẹ tôi đã lập đi lập lại nhiều lần trong suốt thời gian 2 tuần lễ tôi về thăm mẹ tại Việt Nam vào tháng Hai vừa qua. Điều khiến tôi suy nghĩ, đó là mỗi lần và bằng những lối diễn tả khác nhau, khi câu nói trên được lập lại, tôi thấy nét mặt mẹ tôi buồn. Đôi mắt như nhìn về xa xăm, và vầng trán như chùng xuống những nét suy tư. Tôi không biết những lúc ấy mẹ tôi nghĩ gì trong đầu: Những kỷ niệm vui của thời thơ trẻ khi mẹ và bố tôi mới gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau? Những lúc gian nan vất vả mà hai người đã từng trải qua? Hoặc nỗi buồn cô đơn giờ đây khi vắng bóng bố tôi?
Có lẽ là cả ba. Bởi vì theo tâm lý, người già thường hay sống bằng hoài niệm. Mà đã là kỷ niệm thì dù vui hay buồn cũng đều mang một ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của họ. Chính vì vậy, tôi thấy mẹ tôi dường như suy tư nhiều, dăm chiêu nhiều mỗi khi nhắc đến bố tôi.
Theo phân tâm học, thì điều mà mẹ tôi đã nói ra ấy đã có sẵn trong tiềm thức. Có nghĩa là khi mẹ tôi suy nghĩ, khi mẹ tôi còn là mẹ, thì hình ảnh của bố tôi đã in sâu, gắn liền với đời sống của bà. Một hình ảnh thân thương mà chỉ cần một yếu tố rất nhỏ cũng đủ làm nó bật ra khỏi vùng vô thức để đi vào tri thức, khiến mẹ tôi không thể nào mà không nghĩ đến và nhắc đến bố tôi. Nói theo ngôn ngữ của tình yêu, thì đây là một thứ tình yêu đã biến đổi và tan hòa vào chính mình.
Thật vậy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ về người ấy. Sự suy nghĩ của mẹ tôi đã phản ảnh đặc tính này của tình yêu. Nó hoán chuyển tình yêu để đưa tình yêu về hiện thực bằng nhưng thao thức, tiếc thương cho số phận, hoàn cảnh của bố tôi mặc dù bố tôi đã qua đời không còn ở bên để tạm hưởng những gì mà mẹ tôi đang có, những gì mà mẹ tôi luôn luôn muốn chia sẻ.
Phải nhìn và nghe mẹ tôi say sưa kể về những tháng năm khi bố tôi còn trẻ, đã vất vả lo cơm áo cho gia đình, mới phần nào hiểu rõ cảm tình phát xuất từ những lời than kia. Nó không chỉ là những lời nói suông, trống rỗng, mà là những lời diễn tả cái cảm tình chận thật và trìu mến mà mẹ tôi muốn dành cho bố tôi. Và điều này cũng cho thấy bố tôi khi còn sống đã chia sẻ, đồng cộng với mẹ tôi trong tất cả niềm vui và nỗi khổ.
Ai bảo tình yêu già? Và ai bảo người già không biết yêu? Thật ra, tình yêu không già. Tình yêu luôn luôn trẻ, và phản ảnh sự bền vững, chung thủy qua tháng năm, chỉ có điều hơi khác biệt là cách thức biểu lộ tình yêu giữa người già và người trẻ.
Có những nồng nàn, lôi cuốn và cuồng nhiệt của tuổi trẻ, thì cũng có những trầm lắng, bền bỉ, và trung thành của tuổi già.
Có những giận hờn, ghen tương, nũng nịu của tuổi trẻ, thì cũng có những xót thương, cảm thông, và quảng đại của tuổi già.
Có những bất hòa, tranh cãi của tuổi trẻ, thì cũng có những hiểu biết, chấp nhận, và tha thứ của tuổi già.
Đó là những bước đi chín muồi của tình yêu để dẫn đến sự chung thủy, tin tưởng, hiểu biết, tha thứ và chấp nhận trong tình yêu. Tôi nghĩ rằng tình yêu mà mẹ tôi dành cho bố tôi bây giờ cũng đã trải qua và được tôi luyện từ những bước căn bản đó.
Ghi lại những tâm sự của riêng mình, cũng là một hình thức nhắc nhở chính mình. Nó cũng là một chia sẻ chân tình về một điều, mà theo tôi, ở vào thời đại này đang bị phá sản, đang bị lu mờ, và đang bị đánh giá một cách lệch lạc. Đó là tình yêu chung thủy của hôn nhân.
Ngày nay khi đề cập đến tình yêu và hôn nhân thì xem như ai cũng thờ ơ. Người ta sợ bị tình phản bội. Bị lường gạt tình. Bị lợi dụng. Người ta muốn yêu nhưng không muốn trách nhiệm. Sợ bị chia gia tài. Sợ mất tự do. Những điểm này cũng đã giải thích tại sao ngày nay nhiều người dửng dưng với đời sống hôn nhân, và hoài nghi về tình yêu. Tại sao tuổi trẻ chậm lập gia đình, và hôn nhân ngày càng giảm sút. Và đây cũng là lý do tại sao giới trẻ ngày nay thích sống với nhau, nhưng không muốn bị ràng buộc vào nhau. Tại sao ngày nay người ta bỏ nhau, ly dị nhau một cách lạnh lùng đến vô cảm.
Cũng từ những câu nói trên của mẹ tôi, tôi đã học được điều mà sách vở không thể thay thế bằng những kinh nghiệm thực của cuộc sống.
"Mẹ thấy thương bố con quá!" Tại sao thương? Thương vì "khi còn trẻ thì vất vả. Đến khi con và các em khôn lớn thì lại ra đi!". Đó là thương, là yêu thực sự. Không có hy sinh. Không bỏ mình đi không thể minh chứng tình yêu. Bố tôi đã làm được chuyện ấy, và mẹ tôi đã không thể không cảm nhận cái tình yêu dâng hiến ấy của bố tôi. Và kết quả là giờ đây tuy bố tôi đã khuất bóng, mẹ tôi vẫn không thể nào quên không nghĩ đến bố tôi và thương yêu bố tôi.
Nếu sự trung thành bền bỉ đòi hỏi sự hy sinh, dấn thân, thì 50% các cuộc ly dị ngày nay là những câu trả lời cho một thứ tình yêu ích kỷ, dục vọng, và vật chất. Và đời sống hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng hôm nay mang tính chất sòng phẳng, đổi chác, và tìm mình hơn là thứ tình yêu nhẫn nại, chịu đựng, và hy sinh cho người mình yêu.
Mẹ] tôi nay đã trên 85 tuổi. Lưng còng, da mồi, tóc bạc. Mẹ tôi điếc không nghe rõ những gì đang xảy ra chung quanh, nhưng cặp mắt còn rất tinh anh, và trí khôn vẫn còn minh mẫn. Có lẽ vì thế mà tầm nhìn của mẹ tôi có chiều sâu tâm linh, và chất chứa nhiều kỷ niệm. Nhưng theo tôi, kỷ niệm êm đềm nhất, hạnh phúc nhất nhất, và mãnh liệt nhất là kỷ niệm về một người, mà người ấy không phải ai khác nhưng chính là bố tôi. Hình ảnh bố tôi không bao giờ ra khỏi vùng vô thức lẫn tri thức của mẹ tôi. Một hình ảnh dính liền với tình yêu chung thủy và trọn vẹn.
"Cứ mỗi lần mẹ nghĩ đến bố con là mẹ lại thấy thương bố con quá! Khi còn trẻ thì vất vả. Đến khi con và các em khôn lớn thì lại ra đi!" Mẹ ơi! Con yêu câu nói này của mẹ. Nhưng con yêu mẹ nhất vì tấm lòng thủy chung mà mẹ dành cho bố con. Mẹ đã dạy con chữ yêu. Và tình yêu chân thật là gì...