chaphu
Tổng số bài gửi : 657 Join date : 17/02/2011 Đến từ : Hòa Nghĩa- Cam Lâm-Khánh Hòa
| Tiêu đề: CHÚA NHẬT I MÙA CHAY A- CÁM DỖ[ Sat Mar 12, 2011 5:40 am | |
| CHÚA NHẬT I MÙA CHAY A- CÁM DỖ
Ai trong chúng ta cũng ước mong khao khát được tự do, một thứ tự do thực sự, không giả dối. Thế nhưng tự do không có sẵn, tự do là kết quả của một cuộc chiến dai dẳng, lâu dài. Phải trả giá. Chúa Giê-su đã trả giá cho chúng ta. Ngài đã đến trong trần gian để giúp chúng ta sống tự do, giải phóng chúng ta khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và sự dữ. Ngài đã trả một giá rất đắt, giá máu và đau khổ. Chúng ta không có tự do, chúng ta bị nô lệ vì nết xấu và tội lỗi. Các Đấng thánh, dù đã sống hết sức tốt cũng thấy mình đầy những vết nhơ… Muốn sống tự do, chúng ta phải đi vào cuộc chiến với Chúa Giê-su. Cuộc đời là một cuộc chiến. Người đời, muốn sống giàu có, hạnh phúc cũng phải chiến đấu cam go hằng ngày. Người công giáo càng phải chiến đấu gay go hơn vì chúng ta luôn bị ma quỉ, kẻ thù truyền kiếp của chúng ta luôn tấn công chúng ta về mọi phương diện. Nếu không chiến đấu, chúng ta rơi vào ách nô lệ của tội lỗi. Đó là một ách nô lệ ghê gớm nhứt mà nhiều người vẫn chưa nhận ra. Chúa Giê-su, trong thân phận làm người, Ngài cũng quyết liệt chiến đấu chống lại Satan. Và ba lần, (theo ý niệm của người Do Thái) là rất nhiều lần, Ngài đã chiến thắng. Trong tường thuật của các thánh sử, chúng ta thấy như là một chuyện ngắn gọn, chỉ có một hai lời trao đổi là xong, nhưng trong thực tế, những cơn cám dỗ nầy không đơn giản như thế. Chắc chắn có những chi tiết mà có lẽ các thánh sử không thể nói hết. Cuộc chiến của Chúa Giê-su chắc cam go hơn nhiều. Chúng ta thấy gì? Satan rất khôn khéo. Nó dựa vào những dữ kiện thực tế để bày mưu cám dỗ. Chúa Giê-su đang đói lã sau 40 ngày chay tịnh. Ma quỉ bày ra vấn đề ăn uống. Thực ra, nếu Chúa Giê-su có theo lời ma quỉ mà hóa bánh để ăn, có lẽ trên phương diện pháp lý, Ngài cũng chẳng làm gì đáng trách, nhưng đó là một mưu mô rất nguy hiểm. Ma quỉ rất nhẫn nại. Chúng luôn bước từng bước, chậm rãi để chúng ta không thấy nguy hiểm và làm cho chúng ta chệch đường từ từ và sau cùng là sa bẫy. Trong cơn cám dỗ hóa bánh nầy, ma quỉ đẩy Chúa Giê-su vào việc lợi dung quyền lực của mình để thỏa mãn những nhu cầu vật chất riêng tư. Đó là một cạm bẫy rất độc hại có thể làm méo mó sứ mệnh cứu độ của Ngài. Thánh Phao-lô nói: “Chúng ta không chiến đấu chống lại những con người mà chống lại những thần linh (là ma quỉ).” Chúng ta, ai cũng bị cám dỗ về sự ham mê vật chất, thỏa mãn những ước mơ vật chất của chúng ta mà chúng ta gọi là nhu cầu cần thiết. Chúng ta dễ bị đánh lừa vì không biết ranh giới giữa thực hư, giữa xấu và tốt và sau cùng chúng ta xem thường mọi giới răn của Chúa và ung dung đi vào hướng đi của ma quỉ. Đó là hiện tượng mất cảnh giác. Một nhà đạo đức nói: “Nếu chúng ta không hành động như chúng ta nghĩ, chúng ta sẽ nghĩ như chúng ta hành động.” Chúa Giê-su đã từ chối lời đề nghị của ma quỉ và Ngài đã khẳn định: ưu tiên cho tinh thần. Cám dỗ thứ hai: ma quỉ xui giục Chúa Giê-su tìm thành công dễ dàng bằng con đường quảng cáo… “Hãy nhảy xuống đi… Vì có lời chép rằng…” Chúa Giê-su cũng khẳng định: ưu tiên vâng phục ý muốn của Thiên Chúa. Không mong ước những tiếng hoan hô ồn ào của người đời. Con đường cứu độ mà Ngài sắp thực hiện không phải là một mối lợi cá nhân mà là một vâng phục tuyệt đối chương trình của Chúa Cha. Cám dỗ thứ ba: quyền lực. Ma quỉ xui giục: “ Hãy thờ lạy Ta, Ta sẽ cho ngươi làm bá chủ hoàn cầu…” Đối với Chúa Giê-su, đến trong trần gian không phải để tìm một vương quốc, để thống trị mà là ban mạng sống để cứu vớt con người. Ngài ý thức rõ ràng quyền tuyệt đối của Ngài: “Tôi là Vua, nhưng nước tôi không ở trần gian nầy.” Sống, đối với Ngài là phục vụ, phục vụ đến cùng. Những cám dỗ của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy, Ngài là con người như chúng ta, chịu cám dỗ như chúng ta. Ngài phải chiến đấu cam go với ma quỉ để dành chiến thắng cho Thiên Chúa. Nước Trời không phải là một sở hữu của một người mà là vinh quang của Chúa Cha. Ngài đến trong trần gian để Nước Cha trị đến, như Ngài đã dạy chúng ta. Ngài đến để tiêu diệt quyền lực của ma quỉ, đưa chúng ta vào vinh quang Thiên Chúa. Quyền lực của Ngài không phải để tìm vinh quang cho mình, thỏa mãn những ước mơ trần thế, những ý muốn thống trị, nhưng là để Chúa Cha được yêu thương hơn. Chúa Giê-su, khi bị cám dỗ, Ngài đã sử dụng một thứ vũ khí rất bén nhạy để chống lại mưu mô của ma quỉ, đó là Lời Chúa.Ngài không đối thoại với tên cám dỗ như bà E-và xưa. Ngài chỉ cần một nhát gươm Lời Chúa là chấm dứt mọi mưu đồ của Satan. Ngài cho chúng ta thấy sức mạnh của Lời Chúa. Chúng ta không hiểu điều đó. Chúng ta lầm tưởng rằng chỉ cần khôn ngoan, né tránh những cơn cám dỗ, tìm những phương thức nhân loại, những cách thế nhân loại. Chúng ta không thể khôn khéo hơn Thần Dữ đâu. Lời Chúa chính là vũ khí nhạy bén nhất của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta thấy bao nhiêu lần Chúa Giê-su dùng Lời của Ngài để trừ quỉ làm cho dân chúng phải kinh ngạc thốt lên: “Lời nầy là gì mà cả thần dữ cũng phải vâng phục!” Nếu chúng ta biết sống trong Lời Chúa, nếu chúng ta yêu mến Lời Chúa, nếu chúng ta biết sử dụng Lời Chúa, ma quỉ sẽ không bao giờ khống chế được ta. Đó là kinh nghiệm của Chúa Giê-su. Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài vẫn sử dụng Lời Chúa. Chúng ta không thể biết Lời Chúa mãnh liệt như thế nào. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi chúng ta bị cám dỗ. Chúa Giê-su đã đi ngang qua kinh nghiệm đó. Chúng ta không thể đi con đường khác. Cuộc đời chúng ta mãi mãi là một bãi chiến trường, vì “ma quỉ , thù địch của chúng ta như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự.” Thánh Phê-rô đã căn dặn như thế. Cám dỗ là một thử thách. Cám dỗ cũng là một phương tiện để chúng ta lớn lên trong sự trung thành, trong tình yêu. Không có thử thách, cuộc sống chúng ta sẽ lình bình như lục bình trôi, chúng ta không có dịp để hành động cương quyết hơn, chính xác hơn. Thử thách chính là ân huệ để rèn luyện ý chí chúng ta, đổi mới những nếp sống ù lì biếng nhác của chúng ta, vực chúng ta dậy để tiến nhanh hơn trên con đường tình yêu, để giúp chúng ta tin cậy vào Chúa hơn là tin cậy vào chính mình. Chúng ta không khỏi lo âu khi gặp cơn cám dỗ, nhưng hãy vững tin. Chúa Giê-su đã cam kết với thánh Phao-lô: “Ơn Ta đủ chongươi.” Chúng ta không chiến đấu một mình. Chúa vẫn trợ lực, nhưng chúng ta không biết cậy nhờ vào Chúa. Muốn chiến thắng, muốn vượt qua những cơn cám dỗ, phải cậy nhờ vào sự trợ lực của Chúa, đó là một điều hiển nhiên nhưng chúng ta dễ quên và tìm những phương tiện trần thế. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng đến độ chúng ta không thể theo kịp. Những tiến bộ khoa học ngày càng tinh vi hơn, nhưng con tim của chúng ta có thay đổi không? Tình yêu của chúng ta đối với Chúa có tiến triển theo đà tiến của thế giới không? Chúa đang mời gọi chúng ta vươn cao, sống một đời sống xứng đáng hơn, thánh thiện hơn. Làm sao cho tình yêu ngự trị trong nếp sống của chúng ta. Phải tiến bộ nhanh hơn khoa học vì con tim của chúng ta phản ứng nhanh hơn bất cứ một máy điện tử nào. Chúng ta muốn tiến bộ không? Đây là thời thuận tiện. Đây là thời hồng ân. Con đường chiến đấu của chúng ta còn dài và rất dài… Nhưng đối với tình yêu, không có gì là dài lâu cả. Tình yêu sẽ toàn thắng. Chúng ta hãy đến với nguồn suối tình yêu là Chúa Giê-su Thánh Thể, Ngài đã đến với chúng ta dưới hình thức một của ăn nhờ đó chúng ta được dưỡng nuôi, không phải bằng một của ăn trần thế mà bằng chính tình yêu của Con Một Thiên Chúa, Đấng đã đến chia sẻ thân phận mọn hèn của chúng ta, chiến đấu với chúng ta cho Nước Cha. Hãy ăn lấy Ngài với tất cả lòng khiêm tốn và tin cậy. Ngài sẽ là một với chúng ta, đồng hành với chúng ta trên con đường cam go trần thế nầy. Đó là hạnh phúc thiên đàng mà chúng ta được nếm trước nếu chúng ta dám tin.
| |
|